Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Bộ trưởng Tư pháp Qatar Ali bin Fetais al-Marri đã ra thông báo về các vụ bắt giữ nói trên, trong đó khẳng định giới chức đang tiến hành điều tra kỹ lưỡng về 5 đối tượng bị bắt giữ. Cũng theo Bộ trưởng Fetais al-Marri, các công tố viên Qatar đang phối hợp với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhằm xử lý vụ việc.
Qatar cho rằng tin tặc đã tấn công trang mạng của hãng thông tấn QNA ngày 24/5, từ đó phát tán các phát ngôn chính trị mạnh mẽ của Quốc vương Qatar Hamad Al-Thani về những chủ đề nhạy cảm trong khu vực như Iran, tổ chức Hồi giáo Hamas của Palestine, Israel và Mỹ.
Ngày 5/6, nhóm 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar với cáo buộc Doha có quan hệ với Iran, ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực. Qatar đã bác bỏ mọi cáo buộc, nhấn mạnh Quốc vương Al-Thani không đưa ra những phát ngôn như vậy, đồng thời kêu gọi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) hỗ trợ điều tra vụ tấn công mạng trên. Ngoài ra, Doha còn cáo buộc UAE đứng sau vụ việc này. Tuy nhiên, phía UAE đã bác bỏ ngay sau đó.
Hồi cuối tháng 6, nhóm 4 nước Arab nói trên còn đưa ra "tối hậu thư" gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó yêu cầu quốc gia vùng Vịnh này đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố và cực đoan, hạ cấp quan hệ với Iran và chấm dứt sự hiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Tuy nhiên, Qatar đã từ chối thực thi, cho rằng động thái trên của các nước Arab vi phạm chủ quyền. Xung đột ngoại giao tới nay vẫn chưa có lối thoát, trong bối cảnh các bên không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ.