Theo hãng thông tấn Anadolu, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/2 đã cảnh báo về việc thực hiện các cam kết của Thụy Điển và Phần Lan liên quan đến nỗ lực gia nhập NATO của họ, nói rằng không thể chấp thuận đề xuất của Thụy Điển "mà không thấy sự tiến bộ".
"Liên quan đến tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ rất rõ ràng và minh bạch", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, người đã đến Ankara để thể hiện sự đoàn kết sau trận động đất xảy ra vào đầu tháng này.
Lưu ý rằng chủ nghĩa khủng bố là một trong hai mối đe dọa chính đối với NATO, ông Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ muốn hai quốc gia Bắc Âu đáp ứng những lo ngại của Ankara về cuộc chiến chống khủng bố.
Dù ghi nhận lập trường "kiên quyết" của chính phủ mới ở Thụy Điển, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thụy Điển đã "sửa đổi hiến pháp và một số luật, đặc biệt là luật chống khủng bố", nhưng ông Cavusoglu nêu rõ kể từ khi ký kết bản ghi nhớ ba bên tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng 6/2022, "Thụy Điển chưa thực hiện bất kỳ bước nào theo cam kết".
"Mục đích của sửa đổi trên, như đã nêu rõ trong biên bản ghi nhớ, là ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp như tài trợ khủng bố, tuyển mộ người cho tổ chức khủng bố và tuyên truyền khủng bố", ông Cavusoglu nói, nhắc nhở rằng "các hoạt động khủng bố như vậy vẫn tiếp diễn ở Thụy Điển".
Ông Cavusoglu tuyên bố: "Có những cam kết (của Thụy Điển và Phần Lan) về tư cách thành viên NATO. Chúng tôi không thể nói 'có' với tư cách thành viên NATO của Thụy Điển mà không thấy các bước tiến bộ nào. Mọi người nên thấy rõ ràng rằng Thụy Điển đang không thực hiện nghĩa vụ của mình".
Ông Cavusoglu cũng thông báo vòng 3 của cuộc họp theo cơ chế 3 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển liên quan đến tiến trình gia nhập NATO sẽ được tổ chức vào ngày 9/3 tới. Chỉ ra rằng cơ chế này không chỉ dành cho đàm phán, ông Cavusoglu cho biết nó được thành lập để đánh giá liệu bản ghi nhớ ba bên có được thực hiện hay không.
Cuộc họp đầu tiên của cơ chế trên diễn ra vào ngày 26/8/2022 tại Phần Lan, trong khi cuộc họp thứ hai diễn ra vào ngày 26/11/2022 tại Stockholm.
Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 năm ngoái, từ bỏ hàng thập kỷ không liên kết quân sự, một quyết định được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, bắt đầu vào ngày 24/2/2022. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ – thành viên NATO – đã phản đối, cáo buộc hai nước dung túng, thậm chí hỗ trợ các nhóm mà Ankara cáo buộc là "khủng bố".