Các nghi can trong vụ đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ trên xe buýt đến tòa án ở Istanbul ngày 20/7/2016. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Phát biểu trong chuyến công du khu vực Mỹ Latinh, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng Hy Lạp có "những hành động khiêu khích trong thời gian dài" và Thỗ Nhĩ Kỳ "biết cách đáp trả cần thiết...".
Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, 2 đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã gia tăng sau khi tòa án của Hy Lạp hồi tuần trước ngăn cản việc dẫn độ 8 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara cáo buộc tham gia vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016. Động thái này đã chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ khiến nước này tuyên bố sẽ xem xét lại mối quan hệ với Hy Lạp.
Quan hệ giữa Thỗ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp luôn trong tình trạng căng thẳng từ nhiều thập kỷ qua do liên quan đến vấn đề đảo Cyprus.
Sau cuộc đảo chính bất thành năm 1974 của những người gốc Hy Lạp trên đảo Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân vào hòn đảo này và hậu thuẫn cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ thành lập cái gọi là "CH miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ."
Tuy nhiên cho đến nay, CH Cyprus của những người gốc Hy Lạp vẫn là thể chế hợp pháp duy nhất đại diện cho hòn đảo được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, và là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2004.
Sự chia cắt của hòn đảo từng là thuộc địa của Anh là nguyên nhân chủ yếu gây căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ và từng đẩy hai quốc gia láng giềng bên bờ Địa Trung Hải này vào miệng vực chiến tranh vào năm 1996.