Thổ Nhĩ Kỳ công bố chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 11/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công bố triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nước này từ ngày 14 hoặc 15/1, đồng đưa ra kế hoạch dần nới lỏng các quy định hạn chế trong bối cảnh số ca lây nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tiếp tục giảm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Sinovac cho tình nguyện viên tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 9/10/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận mua 50 triệu liều vaccine CoronaVac của công ty Sinovac (Trung Quốc) và đã nhận được lô hàng đầu tiên gồm 3 triệu liều. Ngoài ra, Ankara cũng đã đặt mua 4,5 triệu liệu vaccine do công ty Pfizer/BioNTech sản xuất và để ngỏ khả năng mua tiếp 30 triệu liều.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế của chính quyền Palestine (PA) Mai al-Kaila thông báo Palestine đã đạt được một thỏa thuận với Nga, theo đó Moskva sẽ cung cấp vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V cho người dân Palestine.

Bộ Y tế PA cũng đã thông qua quyết định cho phép sử dụng vaccine Sputnik V trong trường hợp khẩn cấp. Thông báo của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho hay lô vaccine Sputnik V đầu tiên sẽ được chuyển tới Bờ Tây trong tháng 2/2021. Trong khi đó, các chuyên gia y tế hiện vẫn khá do dự trong việc sử dụng Sputnik V, vì cho rằng loại vaccine này được sản xuất và đưa ra thị trường mà chưa trải qua đủ quy trình thử nghiệm nghiêm ngặt.

Hiện chưa rõ số lượng vaccine Sputnik V sẽ được vận chuyển tới Palestine. Bộ Y tế PA dự kiến sẽ ưu tiên tiêm phòng cho đội ngũ nhân viên y tế, người cao tuổi, với mục tiêu khoảng 70% người dân tại Bờ Tây và Dải Gaza được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Trong một diễn biến liên quan, Israel đến nay vẫn chưa cho phép sử dụng vaccine Sputnik V ở nước này, mặc dù Trung tâm Y tế Đại học Hadassah tại Jerusalem đã ký một bản ghi nhớ về việc mua 1,5 triệu liều và làm thủ tục đăng ký sử dụng với Bộ Y tế. Tương tự các nước phương Tây, Israel đến nay vẫn lựa chọn các loại vaccine khác, cho rằng những cuộc thử nghiệm vaccine của Nga còn ít và chưa đủ để hiểu rõ thông tin. Theo RDIF, vaccine Sputnik V đã cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% và hoàn toàn có thể phòng ngừa các ca COVID-19.

Quang Minh (TTXVN)
Đức phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi
Đức phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Nam Phi

Lần đầu tiên tại Đức, nhà chức trách phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Nam Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN