Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Koca nêu rõ các máy bay chở hàng mang theo thuốc men, máy phát điện, vật tư y tế, lồng ấp trẻ sơ sinh, bỉm, thức ăn cho em bé. Trong số vật tư y tế có thiết bị ứng phó khẩn cấp, máy trợ thở, bàn phẫu thuật, máy siêu âm, dụng cụ và thiết bị để điều trị chấn thương chỉnh hình cho những người bị thương trong xung đột. Theo ông Koca, tổng cộng có 4 máy bay chở vật tư y tế cho Dải Gaza và số hàng viện trợ này sẽ được gửi từ Ai Cập đến Gaza qua các đường cao tốc.
Trước đó, trong tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 3 máy bay chở hàng viện trợ cho Dải Gaza. Ngày 22/10 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã cử một nhóm y tế và gửi hàng cứu trợ đến Ai Cập, đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng điều trị cho những người Palestine bị thương tại Thổ Nhĩ Kỳ nếu cần thiết, cũng như thành lập một bệnh viện dã chiến tại sân bay El Arish của Ai Cập và cửa khẩu Rafah.
Rafah hiện là cửa khẩu chính để ra vào Gaza mà không giáp biên giới với Israel. Kể từ khi Israel phong tỏa Dải Gaza, Rafah đã trở thành tâm điểm cho những nỗ lực vận chuyển hàng cứu trợ. Công tác vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo qua Rafah đã bắt đầu vào ngày 21/10 vừa qua. Cho đến nay, có 3 đoàn xe cứu trợ đã vào Gaza qua cửa khẩu Rafah. Theo Liên hợp quốc, số hàng này chỉ đáp ứng được rất ít nhu cầu thiết yếu của người dân Dải Gaza, hiện là nơi sinh sống của 2,3 triệu người.
Cùng ngày, phát biểu sau cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ở Luxembourg, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết mặc dù các nước thành viên của khối vẫn đang thảo luận về ý tưởng ngừng bắn nhân đạo trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, song hiện có nhiều cách khác nhau để đưa hàng cứu trợ tới người dân Palestine tại Gaza. Ông cho hay Thụy Điển ủng hộ đề xuất của Liên hợp quốc về một hành lang nhân đạo.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry cũng đã nêu bật tầm quan trọng của việc ngay lập tức dừng các vụ tấn công nhằm vào người Palestine và gửi hàng cứu trợ nhân đạo tới Dải Gaza.
Trong cuộc điện đàm tối 22/10, hai ngoại trưởng đã phản đối việc yêu cầu người dân Palestine di dời tại Dải Gaza.
Ngoại trưởng Amir-Abdollahian khẳng định Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ sẵn sàng gửi hàng cứu trợ nhân đạo tới Gaza qua Ai Cập.
Về phần mình, Ngoại trưởng Shoukry đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tham vấn và phối hợp giữa các nước Hồi giáo và Arab về vấn đề Palestine. Ông cho biết Ai Cập phản đối việc mở rộng xung đột và nước này duy trì lập trường rằng người Palestine cần được ở lại quê hương của họ.
Theo cơ quan y tế Dải Gaza, các cuộc không kích của Israel đã khiến ít nhất 5.087 người thiệt mạng tại khu vực này, trong đó có 2.055 trẻ em và 1.119 phụ nữ kể từ khi xung đột bùng phát vào ngày 7/10 vừa qua. Số người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel là 15.273 người. Chỉ riêng trong 24 giờ qua, đã có 436 người Palestine thiệt mạng tại Dải Gaza, trong đó có 182 trẻ em với số người chết tập trung nhiều nhất ở khu vực phía Nam. Trong khi đó, phía Israel ghi nhận ít nhất 1.500 người thiệt mạng và trên 4.200 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra.