Thổ Nhĩ Kỳ duy trì lệnh cấm nghị sĩ Đức thăm căn cứ không quân

Ngày 5/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này sẽ duy trì lệnh cấm các nghị sỹ Đức tới thăm căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi vốn được sử dụng để triển khai các chiến dịch truy quét tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở nước láng giềng Syria.

Máy bay của Đức tại căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/5. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu tại buổi họp báo chung với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel đang ở thăm thủ đô Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu tuyên bố vào thời điểm hiện tại, các nghị sĩ Đức có thể đến thăm binh sĩ Đức tại căn cứ Konya của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở miền Trung nước này, "nhưng không phải Incirlik".

Mặc dù khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không có vấn đề gì với Đức, một đối tác thương mại quan trọng của Ankara, song ông Cavusoglu cho rằng không thể phớt lờ một số sự thật như việc hiện có hơn 400 người sở hữu hộ chiếu ngoại giao và công vụ Thổ Nhĩ Kỳ đang xin quy chế tỵ nạn tại Đức.

Ngoại trưởng Cavusoglu nêu rõ: "Chúng tôi không muốn nhìn thấy những thành viên của Tổ chức Khủng bố Gullen (FETO) trú ẩn tại Đức", đề cập đến một phong trào của giáo sĩ Fethullah Gulen , người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.

Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Gabriel nói rằng phía Berlin không có lựa chọn nào khác ngoài việc khởi động quá trình rút các lực lượng của mình khỏi căn cứ Incirlik. Ông nêu rõ: "Thổ Nhĩ Kỳ phải hiểu rằng trong tình hình này, chúng tôi buộc phải chuyển các binh sỹ Đức ra khỏi Incirlik. Do đó, Quốc hội Đức sẽ đề nghị chính phủ tìm kiếm một địa điểm khác cho binh sỹ Đức tại Incirlik".

Cũng theo quan chức này, Chính phủ Đức sẽ tính toán việc rút quân và trang thiết bị khỏi căn cứ Incirlik trong vài tuần tới, và địa điểm mới được lựa chọn có thể là Jordan. Hiện tại, Đức có 250 binh sĩ đồn trú tại Incirlik, cung cấp máy bay và các hoạt động hỗ trợ bay cho lực lượng liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Trong suốt một năm vừa qua, quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng căng thẳng liên quan đến các vấn đề người Kurd (Cuốc), cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp và khôi phục án tử hình ở Thổ Nhĩ Kỳ, vụ bắt giữ các nhà báo Đức với cáo buộc tuyên truyền khủng bố và mới đây nhất là việc ngăn cản các nghị sĩ Đức đến thăm binh sĩ nước này tại căn cứ không quân của NATO ở tỉnh Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất đồng liên quan tới căn cứ này nảy sinh sau khi Berlin cấp phép tị nạn cho một số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được cho là có dính líu đến một cuộc đảo chính bất thành tại nước này hồi tháng 7/2016. Điều này dẫn đến việc Ankara bác yêu cầu của các nghị sĩ Đức được phép tới thăm các binh sĩ đang phục vụ trong lực lượng liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu tại căn cứ Incirlik.
 
TTXVN/Tin Tức
Đức ra tối hậu thư cho Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề căn cứ Incirlik
Đức ra tối hậu thư cho Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề căn cứ Incirlik

Ngày 26/5, Đức đã ra tối hậu thư yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết dứt điểm các bất đồng hiện tại giữa hai bên liên quan đến việc Đức sử dụng căn cứ Không quân Incirlik.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN