Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu trong một cuộc họp tại Ankara ngày 16/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bài báo đăng tải trên tờ Funke của Đức, Ngoại trưởng Cavusoglu cho rằng cả hai bên đều mong muốn một khởi đầu mới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều này chỉ có thể xảy ra nếu hai nước "phá vỡ thế khủng hoảng hiện nay trong mối quan hệ song phương.” Người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng ám chỉ tới việc sẵn sàng đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, song đồng thời hối thúc chấm dứt “thế bế tắc” trong các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Berlin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr cho biết các cuộc đối thoại diễn ra ngày 6/1 sẽ bao trùm “toàn bộ các vấn đề liên quan tới các mối quan hệ Đức-Thổ, trong đó có những vấn đề gai góc trong quan hệ hai nước”.
Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong NATO. Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Ankara bắt giữ một số công dân Đức và Berlin chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ về cách thức xử lý vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016, cũng như các vấn đề liên quan đến người Kurd.
Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi toàn bộ người Đức gốc Thổ không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), hay đảng Xanh, cho rằng đây là "kẻ thù của Ankara". Đáp lại, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ ngừng các cuộc đàm phán của Đức và EU về việc xem xét Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, mối quan hệ giữa hai bên đã có những tín hiệu tích cực. Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tự do cho một số công dân Đức bị bắt giữ theo sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà chính quyền nước này ban bố sau khi đập tan cuộc đảo chính hồi tháng 7/2016. Cuối tháng 12/2017, Tổng thống Erdogan cũng đã bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ với Đức và EU sau những căng thẳng trong quan hệ song phương.