Theo trang tin Al-monitor.com ngày 15/6, Thổ Nhĩ Kỳ không có dấu hiệu lùi bước trong bối cảnh tiếp tục bế tắc trước các nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cụ thể, trong cuộc điện đàm với người đứng đầu NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn bảo vệ quan điểm của mình trước những áp lực liên quan đến việc ngăn cản tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan.
Ông Erdogan khẳng định trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng các nước Bắc Âu phải thực hiện "các bước cụ thể" để trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây.
Những yêu cầu của Ankara bao gồm việc đưa ra các cam kết bằng văn bản rằng họ sẽ chống “chủ nghĩa khủng bố” và hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng lưu ý rằng kỳ vọng của nước này đã không được đáp ứng trong nhiều tài liệu khác nhau do Thụy Điển cung cấp.
Trong khi đó tờ Financial Times đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối lời mời của NATO tham gia các cuộc đàm phán ba bên với Thụy Điển và Phần Lan. Nguồn tin này nêu rõ, Ankara muốn có những cam kết thực chất hơn từ cả hai nước Bắc Âu trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Thổ Nhĩ Kỳ đã gán cho hai quốc gia trên là “vườn ươm” cho chủ nghĩa khủng bố.
Các nhà lãnh đạo Thụy Điển và Phần Lan đã tỏ ra bất bình trước lập trường của Ankara. Khi họ lần đầu tiên đưa ra ý tưởng chấm dứt nhiều thập kỷ trung lập và gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra dấu hiệu ủng hộ.
Sự thay đổi lập trường này của Ankara được cho là do ông Erdogan thúc đẩy, người muốn tận dụng quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh 30 thành viên nhằm chuyển hướng sự chú ý của công chúng trong nước liên quan đến vấn đề lạm phát, vốn đang làm giảm sự ủng hộ đối với Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền do ông Erdogan lãnh đạo.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống chậm nhất vào tháng 6/2023. Suy thoái kinh tế đã mở ra hy vọng về một chiến thắng của phe đối lập lần đầu tiên kể từ khi đảng AKP lên nắm quyền vào năm 2003.
Thổ Nhĩ Kỳ có một danh sách dài các điều kiện, bao gồm việc dẫn độ những cá nhân có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và bị cáo buộc tội khủng bố. trong đó có nhà vận động nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ Ragip Zarakolu, 73 tuổi, có quốc tịch Thụy Điển và không thể bị dẫn độ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn Thụy Điển và Phần Lan hình sự hóa các biểu tượng liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Họ cũng muốn họ hủy bỏ các lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt sau cuộc tấn công năm 2019 của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở Đông Bắc Syria. Phần Lan và Thụy Điển mới đây cho thấy đã nhượng bộ một số vấn đề.
Thụy Điển cho biết luật chống khủng bố tăng cường của nước này dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới sẽ giải quyết một số lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng tuyên bố trên từ Ankara cho thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa hài lòng.
Mặc dù bế tắc về tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển vẫn chưa được giải quyết qua cuộc điện đàm với Tổng thống Erdogan, ông Stoltenberg vẫn ca ngợi là “tích cực”.
Nhà lãnh đạo cấp cao của NATO cho biết trên Twitter rằng ông đã tổ chức "một cuộc trò chuyện mang tính xây dựng" với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid diễn ra vào ngày 29-30/ 6. ÔngStoltenberg nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với việc "giải quyết các mối quan ngại an ninh hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ".
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nước trong NATO thừa nhận rằng bất đồng sẽ khó có thể được giải quyết trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Madrid. Cho đến nay, mọi kỳ vọng về hành động của Washington đã trở vô nghĩa, khi các quan chức Mỹ yêu cầu các đối tác Bắc Âu cố gắng tự mình giải quyết sự khác biệt của họ với Thổ Nhĩ Kỳ.