Theo hãng tin AFP của Pháp, trên tài khoản Twitter của mình, ông Ibrahim Kalin - người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan - nêu rõ: "Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ sát hại ghê rợn (thầy giáo) Samuel Paty tại Pháp... Không gì có thể biện minh cho vụ giết người này."
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi phía Pháp bày tỏ thất vọng khi Ankara chưa chính thức lên án tội ác này. Dư luận nước Pháp đang dậy sóng với vụ thầy Paty bị một đối tượng Hồi giáo cực đoan sát hại (bằng hình thức chặt đầu) sau khi cho các học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo.
Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã gọi đây là "vụ tấn công của các phần tử khủng bố Hồi giáo", tăng cường hành động chống chủ nghĩa khủng bố và các phần tử Hồi giáo cực đoan. Nhà lãnh đạo Pháp cũng tuyên bố không “hủy bỏ những bức tranh biếm họa” nhà tiên tri Mohammed và không bao giờ nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng như không chấp nhận các phát ngôn thù địch.
Những tuyên bố này đã vấp phải sự chỉ trích của một số nước Arab kèm theo lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp. Liên quan vấn đề này, cùng ngày 26/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi người dân nước này "không bao giờ" mua hàng của Pháp, đồng thời hối thúc các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngăn chặn chương trình nghị sự mà ông cho là "bài Hồi giáo" của Tổng thống Pháp Macron.
Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ là những đối tác thương mại lớn của nhau. Pháp là nhà xuất khẩu lớn thứ 10 vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại cũng là thị trường lớn thứ 7 dành cho những sản phẩm xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các hàng hóa chính nhập khẩu từ Pháp, ô tô là một trong những sản phẩm bán chạy nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp đều là các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng hiện đang căng thẳng về nhiều vấn đề trong đó có vấn đề Syria và Libya, những vấn đề pháp lý hàng hải ở Đông Địa Trung Hải và cuộc xung đột Nagorny-Karabakh.