Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tập trung bên ngoài Dinh Tổng thống ở thủ đô Ankara, Tổng thống Erdogan đã khuyến cáo các quan sát viên quốc tế, những người chỉ trích kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua "hãy cư xử theo đúng vị trí của mình".
Ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức "các cuộc bỏ phiếu dân chủ nhất vốn chưa từng thấy tại bất kỳ các quốc gia khác nào ở phương Tây", đồng thời khẳng định Ankara sẽ không quan tâm đến các báo cáo của các quan sát viên quốc tế. Nhà lãnh đạo này còn tuyên bố có thể tổ chức thêm các cuộc trưng cầu ý dân trong tương lai về việc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và khôi phục lại án tử hình tại quốc gia này.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan (phải) cùng phu nhân bên những người ủng hộ sau khi kết quả trưng cầu dân ý sơ bộ được công bố tại Ankara ngày 16/4. Ảnh:EPA/ TTXVN |
Trong khi đó, đề cập tới những lời chỉ trích của Văn phòng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về Các thể chế Dân chủ và Nhân quyền (ODIHR) và Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng "những phán xét hồ nghi ban đầu này là sự phản ánh cách tiếp cận thiên vị và có thành kiến". Ông Cavusoglu đồng thời khẳng định việc các quan sát viên quốc tế nhận định cuộc trưng cầu vừa qua không đạt các chuẩn mực quốc tế là "không thể chấp nhận".
Trước đó cùng ngày, các giám sát viên quốc tế đã nhận định cuộc trưng cầu ý dân tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua nhằm mở rộng quyền lực cho tổng thống "không đạt tiêu chuẩn quốc tế" và những sự thay đổi về mặt thủ tục sau đó đã tác động đến kết quả kiểm phiếu. Ông Cezar Florin Preda thuộc phái bộ chung của OSCE nêu rõ: "Cuộc trưng cầu ý dân đã diễn ra trên một sân chơi không cân sức và hai bên chiến dịch không có những cơ hội bình đẳng".
Trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 16/4, phe đồng ý sửa đổi Hiến pháp đã giành được 51,5% số phiếu ủng hộ nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống, tức nhiều hơn phe phản đối 1,3 triệu phiếu. Kết quả này sẽ tạo điều kiện cho ông Erdogan, người sáng lập đảng Công lý và Phát triển (AKP) năm 2001, có thể tìm kiếm thêm 2 nhiệm kỳ theo quy định mới, sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2019. Đảng Dân chủ Nhân dân (PDP) - đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức đã yêu cầu hủy bỏ kết quả cuộc trưng cầu do nghi ngờ khả năng nhiều phiếu bầu đã bị can thiệp. Phó Chủ tịch PDP, ông Bulent Tezcan còn cảnh báo trong trường hợp cần thiết sẽ kiện lên Tòa án Hiến pháp Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những thể chế mà theo dự luật sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Erdogan có thể sẽ nắm quyền kiểm soát thông qua việc bổ nhiệm các thành viên.
Cùng ngày, hàng nghìn người thuộc phe không đồng ý việc sửa đổi Hiến pháp đã đổ xuống khắp đường phố thủ đô Istanbul để biểu tình phản đối kết quả của cuộc trưng cầu vừa qua. Cụ thể, ít nhất 1.000 người biểu tình đã tụ tập tại các quận Besiktas và Kadikoy, gương cao các khẩu hiệu như: "Phe nói 'Không' chưa kết thúc", hay "Chúng tôi sẽ chiến thắng". Trong khi đó, một số cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng diễn ra tại các thành phố khác ở Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền thông nước này đưa tin 13 người đã bị bắt giữ trong một cuộc biểu tình ở thành phố Antalya.
Cũng trong ngày 17/4, lãnh đạo một nhóm trong cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức đã bày tỏ lo ngại khi có nhiều người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ tại đây đã bỏ phiếu ủng hộ việc mở rộng quyền hạn cho Tổng thống Erdogan trong cuộc trưng cầu ý dân trước đó một ngày. Phát biểu trên hãng thông tấn Đức DPA, lãnh đạo Liên hiệp Cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, ông Gokay Sofuogle cho rằng điều đáng báo động là nhiều người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Đức đã bỏ phiếu cho một hệ thống đi ngược với nền dân chủ.
Trước đó, số liệu từ hãng thông tấn nhà nước Anadolu cho thấy có trên 63% số cử tri người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch mở rộng quyền hạn cho Tổng thống Erdogan. Thậm chí tại Áo, tỷ lệ nói "Có" còn cao hơn, lên tới 73,5%.