Phát biểu với báo giới tại thủ đô Ankara, Ngoại trưởng Cavusoglu nhấn mạnh: "Tùy thuộc vào quỹ đạo của mối quan hệ, chúng tôi có thể đàm phán về ranh giới trên biển với Ai Cập và đạt được một thỏa thuận trong tương lai".
Giới phân tích cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đều sẽ rất quan trọng. Quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi sau năm 2013, khi Tổng thống Mohamed Morsi khi đó, người được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, bị lật đổ. Hai bên cũng có quan điểm khác biệt trong cuộc xung đột ở Libya.
Khu vực phía Đông Địa Trung Hải là trung tâm của sự căng thẳng leo thang hồi năm ngoái giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu khảo sát Oruc Reis tại vùng biển này vào tháng 8/2020. Động thái diễn ra sau khi Cyprus, Hy Lạp, Ai Cập, Israel, Jordan, Italy và Palestine đã nhất trí thành lập một "Diễn đàn Khí đốt Đông Địa Trung Hải" vào năm 2019 mà không có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) cũng căng thẳng vì vấn đề này. Mới đây nhất, ngày 8/2 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc thảo luận qua video về tranh chấp tại Đông Địa Trung Hải cũng như quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu.
Theo giới chức Đức. Thủ tướng Merkel đã hoan nghênh những tín hiệu tích cực và những tiến triển mới ở Đông Địa Trung Hải, nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải đạt được tiến bộ trong đối thoại về các vấn đề tranh chấp. Trong khi đó, thông báo từ Phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Tổng thống Erdogan bày tỏ hy vọng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu sẽ bớt căng thẳng, đồng thời kỳ vọng sẽ có một "chương trình nghị sự tích cực" trong quan hệ song phương tại hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 tới. Tổng thống Erdogan cũng đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ, có thể diễn ra vào nửa đầu năm 2021.