Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 5/8 lần đầu tiên công bố sáng kiến mới tại Ankara trong một hội nghị thường niên của các Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích của sáng kiến là cải thiện quan hệ với các quốc gia châu Á nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, công nghiệp quốc phòng, đầu tư, thương mại, công nghệ, văn hóa và đối thoại chính trị.
Bộ trưởng Cavusoglu nhấn mạnh: "Chúng ta thấy rằng sức mạnh kinh tế đang chuyển dịch từ phương Tây sang phương Đông và châu Á đã bắt đầu trỗi dậy như là một trung tâm quyền lực". Ông Cavusoglu cũng cho rằng để không làm mất lòng các nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không quay lưng với châu Âu vì sáng kiến "Asia Anew". Ông nêu rõ nhờ có vị trí quan trọng về địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia kết nối giữa châu Á và châu Âu và cầu nối giữa Đông và Tây trong các hoạt động kinh tế.
Các chuyên gia đánh giá cao động thái mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng vị thế của Ankara sẽ gia tăng trên toàn cầu. Altay Atli, chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Istanbul Koc, nhận định nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đến nay chủ yếu hội nhập với phương Tây, nhưng nước này cũng đang tìm cách đa dạng hóa các đối tác kinh tế vì nhận thức được tầm quan trọng đang gia tăng của châu Á. Dữ liệu năm 2019 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy châu Á, nơi có 60% dân số thế giới sinh sống, là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới.
Một nhà ngoại giao cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ giải thích rằng sáng kiến trên bao gồm một số trụ cột như mở rộng thương mại, cải thiện quan hệ giữa các nước và gia tăng tương tác giữa các xã hội. Nhà ngoại giao giấu tên này cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược là cầu nối giữa Tây và Đông, vị trí rất có lợi cho thương mại và kinh tế.