Ông Koca cho hay tới nay, 84% giáo viên nước này đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, trong khi 72,6% đã hoàn thành tiêm chủng.
Trước đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra quy định buộc các giáo viên phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 2 lần/tuần, hoặc phải có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine. Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, nếu tỷ lệ giáo viên và các bậc phụ huynh chưa tiêm chủng ở mức cao, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em sẽ tăng.
Dữ liệu của Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy đến nay nước này đã phân bổ hơn 91 triệu liều vaccine.
* Bộ Y tế Đan Mạch thông báo nước này sẽ nới lỏng tất cả biện pháp phòng dịch vào ngày 10/9 tới với lý do dịch COVID-19 không còn mối đe dọa của xã hội khi 70% dân số quốc gia Bắc Âu này đã tiêm đủ liều.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke khẳng định nước này đã kiểm soát được dịch bệnh và đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.
Đan Mạch là một trong số quốc gia đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa một phần vào tháng 3/2020, sau đó nhiều lần nới lỏng rồi siết chặt các biện pháp này. Tháng 4 vừa qua, Đan Mạch đã phát hành "hộ chiếu vaccine" cấp cho những người đã hoàn thành tiêm chủng, cho phép những đối tượng này đến nhà hàng, rạp chiếu phim… Quy định hộ chiếu vaccine đã được dỡ bỏ tại một số khu vực vào đầu tháng 8 và dự kiến sẽ hết hiệu lực tại một số địa phương khác vào đầu tháng 9.
* Trong khi đó, tình hình dịch tại Đông Nam Á vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 27/8, Bộ Y tế Malaysia thông báo đã ghi nhận 22.070 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên mức 1.662.913 ca.
Quốc gia Đông Nam Á này còn ghi nhận thêm 339 ca tử vong, đưa số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 lên mức 15.550 ca. Trong số 265.695 ca đang điều trị, có 982 ca trong khu điều trị tích cực và 470 phải nhờ đến hỗ trợ thở.
Tại Indonesia, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt mốc 4 triệu ca. Cụ thể, sau khi ghi nhận thêm 12.618 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca mắc tại nước này là 4.056.354 ca. Indonesia cũng ghi nhận thêm 599 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh không qua khỏi lên mức 130.781 ca.
Thống kê của Bộ Y tế Indonesia cho thấy ít nhất 34,12 triệu người dân nước này đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, trong khi đó 60,43 triệu người đã tiêm mũi đầu tiên. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 208,2 triệu người dân.