Các giới chức này nói đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ David Satterfield bị triệu đến Bộ Ngoại giao về "một nghị quyết không có bất kì cơ sở lịch sử và pháp lý nào" và một dự luật áp đặt trừng phạt đối với chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
Trước đó, Hạ viện Mỹ ngày 29/10 với 405 phiếu thuận và 11 phiếu chống đã ủng hộ biện pháp "xác nhận hồ sơ của Mỹ về tội diệt chủng người Armenia", nghị quyết đầu tiên tại Quốc hội Mỹ, nơi các biện pháp tương tự với ngôn ngữ thẳng thắn như vậy được đưa ra trong nhiều thập kỉ nhưng chưa bao giờ được thông qua.
Cùng với đó, các nhà làm luật Mỹ cũng thông qua một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cuộc tấn công của Ankara nhằm vào lực lượng người Kurd tại Bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc tội diệt chủng và tuyên bố cả người Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ đều thiệt mạng do Chiến tranh thế giới thứ 1. Ước tính số người thiệt mạng lên đến hàng trăm nghìn người.
Những tranh cãi lịch sử xung quanh vụ thảm sát người Armenia thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất vẫn phủ bóng đen lên quan hệ giữa hai nước Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Armenia cho rằng có khoảng 1,5 triệu công dân nước này đã bị giết hại trong cuộc chiến tranh này. Trong khi đó, Ankara vẫn luôn bác bỏ cáo buộc về vụ thảm sát, cầm tù và trục xuất cưỡng ép đối với người Armenia từ năm 1915 và sau đó leo thang thành vụ diệt chủng dưới Đế chế Ottoman ngày 24/4/1915. Trước Mỹ, đã có Pháp cùng trên 20 nước khác công nhận đây là vụ diệt chủng người Armenia.