Theo phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tham khảo từ dữ liệu U.N. Comtrade về thương mại quốc tế do Liên Hợp Quốc thực hiện, chỉ tính riêng từ tháng 6/2013, nước này đã cung cấp cho phiến quân Syria 47 tấn vũ khí. Ankara giải thích rằng họ chỉ cung cấp các loại súng ngắn và súng săn, vốn không dành cho hoạt động chiến sự tới Syria.Cách đây chưa lâu, 3 đối tượng mang theo 250 kg hợp chất thuốc nổ bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Konya, Thổ Nhĩ Kỳ. Những người này phủ nhận họ dính líu các hoạt động khủng bố và nói đây là bột giặt. Tuy nhiên, sau thẩm vấn, 3 đối tượng khai rằng số thuốc nổ trên được chuẩn bị để chuyển qua nước láng giềng. Trong năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 25 người với tội buôn bán vũ khí vào lãnh thổ Syria.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ hầu như vẫn làm ngơ trước các hoạt động đột nhập tự do của phần tử Hồi giáo cực đoan qua biên giới. Ông Stanislav Tarasov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông và Kavkaz (Nga) nhận định sau sự thất bại trong đàm phán tại hội nghị “Những người bạn của Syria”, Thổ Nhĩ Kỳ bỗng một mình phải đối mặt với vấn đề xung đột vũ trang trên biên giới của mình.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng ngoài rìa của tiến trình chính trị tại Syria. Ban đầu, nước này đảm nhận vai trò tiên phong kêu gọi lật đổ chế độ của Tổng thống Assad, nhưng dần dần Ankara bỗng lọt xuống đằng đuôi và bị đẩy khỏi tiến trình này”, ông Tarasov nói.
Trong khi đó, leo thang xung đột bắt đầu đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Đụng độ vũ trang xảy ra trực tiếp với mật độ ngày càng tăng trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, thỉnh thoảng lại có quả đạn cối nổ ở các khu vực giáp biên. Ankara từng cáo buộc Damascus gây rắc rối, nhưng tất cả giờ đây đều rõ đó là nỗ lực của các nhóm Hồi giáo cực đoan với hi vọng mở rộng địa bàn hoạt động và lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột vũ trang. Mục đích để quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phát động tấn công lãnh thổ Syria.
Theo nhận xét của Giáo sư Victor Nadein-Raevsky Viện Kinh tế và quan hệ quốc tế IMEMO (Nga), sự viện trợ cho phiến quân Syria, đặc biệt là những băng nhóm theo chiều hướng Hồi giáo cực đoan, sẽ không đem lại lợi ích gì cho các nhà tài trợ.
“Trong vấn đề cung cấp vũ khí, chúng ta chỉ thấy đỉnh chóp của tảng băng trôi. Thực tế, lượng vũ khí chi viện được thực hiện với qui mô lớn hơn nhiều. Súng săn như đã được nói từ Thổ Nhĩ Kỳ là hiện tượng kỳ cục”, ông Raevsky nói và nhấn mạnh rằng việc Ankara tiếp tục hỗ trợ phiến quân Syria là hành động đem lại mối nguy hiểm nghiêm trọng cho chính Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập có vũ trang Syria, đặc biệt là bộ phận Hồi giáo cực đoan thường tỏ thái độ ngạo mạn. Cướp bóc trắng trợn và bạo lực ở khu vực trên không còn là chuyện lạ. Thậm chí, rắc rối xuất hiện cả ở sâu trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện bất kỳ sự viện trợ nào mà Ankara dành cho đối thủ của chính quyền ông Assad đều đang góp phần gây bất ổn định ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Viện trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Syria có nghĩa là Ankara đang tự gài mìn trên lãnh thổ của mình. Để tháo kíp nổ, nước này phải nỗ lực thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria, điều mà phe đối lập Syria không hề muốn.
Theo VOR