Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) đã buộc phải kéo dài thêm một ngày so với thời hạn chót là tối 11/12. Lý do là bởi đại diện các nước tham dự đàm phán mong muốn có được một thỏa thuận toàn diện, giữa lúc các bất đồng còn chưa được giải quyết một cách triệt để. “Mọi việc đang đi đúng hướng. Thỏa thuận đã ở rất gần”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius chia sẻ với hãng tin AFP. Một nguồn tin khác trong phái đoàn nước chủ nhà thì tiết lộ “Thỏa thuận sẽ được đệ trình vào buổi sáng ngày mai (12/12) và việc ký kết sẽ hoàn tất vào buổi trưa cùng ngày”.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phát biểu tại hội nghị COP21 ở Le Bourget. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các nhà lãnh đạo thế giới mô tả, COP21 là cơ hội cuối cùng để cứu Trái Đất trước tình trạng ấm lên trên toàn cầu, vốn là nguyên nhân gây ra hạn hán, lụt lội, bão lũ, nước biển dâng… ở cấp độ nguy hiểm chưa từng thấy. Tại Paris, ông Fabius đang phải chạy đua với thời gian để điều phối sao cho các ngoại trưởng của 195 nước đạt được đồng thuận về một loạt những bất đồng rất phức tạp, chủ yếu là tranh cãi giữa các nước giàu và nước nghèo.
Các nước đang phát triển đòi các nước phát triển phải có trách nhiệm chính trong cuộc chiến biến đổi khí hậu do họ là những người xả ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất kể từ thời Cách mạng Công nghiệp. Nhưng Mỹ và các nước giàu khác lại có ý đổ lỗi cho các nền kinh tế đang nổi (BRICS) khi mà nhóm này chiếm tỷ trọng lớn trong việc “xả thải” hiện nay. Những tranh cãi này “trị giá” cả trăm tỷ USD và các nhà đàm phán sẽ buộc phải giải quyết dứt điểm trước khi rời khỏi Paris.
Đột phá và trở ngại
Một trong những diễn biến tích cực nhất của bản dự thảo mới được đệ trình chính là việc các bên cơ bản đã có được sự nhất trí về mục tiêu bao trùm của COP21 – đưa ra mức trần giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu đến năm 2100. Các nước chịu tác động tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu mong đợi cam kết nhiệt độ Trái Đất tới năm 2100 tăng dưới 1,5 độ C so với thời kì tiền công nghiệp. Tuy nhiên, một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ lại thiên về giới hạn 2 độ C. Và giải pháp trung hòa đã được đưa ra: Nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 2 độ C, với mục tiêu hướng đến là dưới 1,5 độ C. Một điểm tích cực khác nữa là việc lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, tất cả các nước đều cam kết cắt giảm, kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trở ngại lớn nhất hiện nay là vấn đề tiền bạc, cụ thể hơn là trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, chia sẻ tài chính của các nước giàu đối với các nước đang phát triển. Sáu năm trước, tại Copenhaghen (Đan Mạch), các nước công nghiệp phát triển bắn tiếng sẽ đóng góp quỹ 100 tỷ USD/năm từ năm 2020 để giúp các nước nghèo chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, xử lý các hệ quả từ việc Trái Đất nóng lên. Thế nhưng nguồn tiền đổ vào các quỹ này như thế nào còn chưa được làm rõ. Dự thảo mới nhất cũng đề cập 100 tỷ USD là mức sàn, nhưng lại chưa khẳng định các nước giàu sẽ tuân thủ cam kết tăng số tiền này sau mốc thời gian năm 2020 hay không. Đại diện nhiều nước đang phát triển còn nêu yêu cầu phải có các điều khoản về “tổn thất và thiệt hại”, điều mà Mỹ đặc biệt lo ngại, do các công ty, tập đoàn của nước này dễ bị khởi kiện đòi bồi thường.
Trước khi diễn ra COP21, các nước đều hoàn tất và gửi tới Liên hợp quốc Báo cáo Dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định (INDC) nhằm ứng phó với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng, tại Paris, đại diện các nước vẫn còn tranh cãi về việc khi nào và trong thời hạn bao lâu sẽ tiến hành đánh giá việc thực hiện cam kết theo kế hoạch hành động quốc gia của mỗi nước, để giữa tuyên bố và hành động đều là thực chất.