Ngày 20/1, Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cộng với Đức) và Iran bắt đầu thực hiện thỏa thuận sơ bộ về hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran. Từ trái sang: Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius trong lễ tuyên bố chung về thỏa thuận hạt nhân lịch sử ở Geneva ngày 24/11. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Dư luận kỳ vọng diễn biến này sẽ giải quyết cơ bản bế tắc kéo dài một thập kỷ qua xoay quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và giảm bớt mối lo ngại về một cuộc chiến tranh mới ở khu vực Trung Đông.
Trong vai trò người giám sát thực hiện thỏa thuận sơ bộ, nếu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran đáp ứng mục đích của thỏa thuận này, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngay lập tức sẽ ngừng một số biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.
Nhượng bộ từ hai bên dự kiến có hiệu lực trong vòng 6 tháng và trong thời gian này, P5+1 sẽ đàm phán một thỏa thuận toàn diện nhằm xác định quy mô hoạt động hạt nhân có thể chấp nhận được dành cho Iran. Các nước phương Tây muốn thỏa thuận sắp tới hóa giải quan ngại của họ về việc Iran có thể sản xuất bom nguyên tử, trong khi Tehran đặt mục tiêu chấm dứt những biện pháp trừng phạt đang tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế dựa vào xuất khẩu dầu mỏ của nước này.
Thỏa thuận sơ bộ - đạt được tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 11/2013 - yêu cầu Iran ngừng làm giàu uranium cấp độ trên 5%, vô hiệu hóa kho uranium đã làm giàu ở cấp độ gần 20% trong vòng 6 tháng và chấm dứt hoạt động tại lò phản ứng nước nặng Arak, nơi bị coi là có thể cung cấp plutonium để sản xuất bom nguyên tử.
Đổi lại, Iran có thể tiếp cận nguồn thu từ dầu mỏ lên tới 4,2 tỷ USD hiện đang bị phong tỏa trong các tài khoản ở nước ngoài và được nối lại các hoạt động trao đổi sản phẩm hóa dầu, vàng và kim loại quý hiếm khác. Chính phủ Mỹ ước tính giá trị các biện pháp nới lỏng trừng phạt sẽ lên tới 7 tỷ USD, mặc dù một số nhà ngoại giao nhận định điều này phụ thuộc mức độ các công ty phương Tây muốn quay trở lại thị trường Iran.
Hiện tại, nhóm thanh sát quốc tế đã có mặt ở Iran để kiểm tra cơ sở Fordo, nơi làm giàu uranium ở mức 20% và cơ sở Nataz, nơi làm giàu uranium ở mức 5%, nhằm đảm bảo Iran tuân thủ thỏa thuận sơ bộ. Trong những tuần tới, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh chung Catherine Ashton sẽ nhân danh Nhóm P5+1 tiếp xúc với giới chức Iran tìm giải pháp chấm dứt tranh cãi liên quan chương trình hạt nhân của Iran.
Về phía Iran, người phát ngôn Cơ quan Nguyên tử nước này Behrouz Kamalvandi ngày 19/1 xác nhận việc thực hiện các cam kết chung trong khuôn khổ thỏa thuận Geneva "bắt đầu vào ngày 20/1". Ông Kamalvandi coi quyết định hạn chế làm giàu uranium và tiêu hủy kho uranium đã được làm giàu ở cấp độ cao là "những cam kết quan trọng nhất" của Tehran, đồng thời cho biết Iran sẽ sử dụng các lò ly tâm hiện sản xuất uranium làm giàu ở mức 20% để sản xuất uranium làm giàu ở mức 5% theo đúng tinh thần thỏa thuận sơ bộ.
Giới quan sát nhận định những nhận xét của ông Kamalvandi cho thấy Chính phủ của Tổng thống Iran Hassan Rouhani hoan nghênh thỏa thuận Geneva.
TTXVN/Tin tức