Theo thông cáo từ Số 10 Phố Downing, Luật quan hệ tương lai với EU 2020, tên của thỏa thuận thương mại và quan hệ hậu Brexit (Anh rời khỏi EU), đã nhận được sự phê chuẩn của Hoàng gia Anh.
Động thái trên diễn ra ít giờ sau khi lưỡng viện Quốc hội Anh họp phiên bất thường kéo dài 1 ngày để xem xét thỏa thuận. Cả Hạ viện và Thượng viện Anh đã bỏ phiếu thông qua thỏa thuận lịch sử này để đưa London rời “mái nhà chung” EU.
Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, Luật quan hệ tương lai với EU 2020 đã trở thành luật trên lãnh thổ Anh và thỏa thuận này sẽ chính thức có hiệu lực từ 23 giờ ngày 31/12/2020 (theo giờ Anh). Về phía EU, thỏa thuận còn chờ Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn.
Trước đó, với 521 phiếu thuận và 73 phiếu chống, Hạ viện Anh đã nhất trí thông qua “Hiệp định Thương mại và Hợp tác” với EU. Thỏa thuận được thông qua chỉ 1 ngày trước khi giai đoạn chuyển tiếp giữa London và Brussels kết thúc. Với thỏa thuận này, Anh sẽ tiếp tục xuất khẩu hàng hóa sang EU mà không bị áp thuế và hạn ngạch.
Phát biểu mở đầu phiên tranh luận tại Hạ viện, Thủ tướng Boris Johnson nêu rõ: “Mục đích chính của dự luật này là hoàn thành mong muốn mà người dân Anh luôn biết trong tim là có thể thực hiện được”. Theo ông Johnson, nước Anh có thể “giao thương và hợp tác” với các quốc gia châu Âu khác, trong khi vẫn giữ được “quyền kiểm soát có chủ quyền đối với luật pháp và vận mệnh của chúng ta”.
Thượng viện Anh tại cuộc họp sau đó cũng tán thành thỏa thuận mà không có ý kiến nào phản đối.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã ký thỏa thuận lịch sử nói trên tại trụ sở Hội đồng châu Âu ở Brussels. Phát biểu sau lễ ký, ông Charles Michel nói: "Hôm nay, chúng tôi đã ký thỏa thuận này sau nhiều tháng đàm phán tập trung. Trong suốt tiến trình ấy, EU đã thể hiện một mức độ đoàn kết chưa từng thấy. Đây là một thỏa thuận công bằng và cân bằng, góp phần bảo vệ trọn vẹn các lợi ích cơ bản của EU, đồng thời tạo sự ổn định và tính dự báo cao cho công dân và các công ty".
Thủ tướng Anh Johnson và Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định thỏa thuận này sẽ quản lý mối quan hệ tương lai giữa London và Brussels. Bà Ursula von der Leyen gọi thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa EU và Anh là một "thỏa thuận công bằng và cân bằng". Bà von der Leyen bình luận: "Thỏa thuận này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho một khởi đầu mới với một người bạn lâu năm. Điều đó có nghĩa là cuối cùng, chúng tôi có thể đặt Brexit lại phía sau và châu Âu sẽ tiếp tục tiến về phía trước".
Anh rời EU từ ngày 31/1/2020 nhưng hai bên duy trì mô hình quan hệ cũ trong giai đoạn chuyển tiếp cho tới hết năm 2020 để tiến hành đàm phán về quan hệ tương lai. Thỏa thuận lịch sử mà lãnh đạo hai bên vừa ký nói trên quy định quan hệ kinh tế giữa EU và Anh từ sau nửa đêm 31/12/2020 khi thỏa thuận có hiệu lực.
Điểm quan trọng nhất của thỏa thuận là giúp tránh thuế quan và đảm bảo cho thương mại song phương vận hành một cách tốt nhất. Thỏa thuận cũng bao gồm lĩnh vực đánh bắt cá và hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, tư pháp, cảnh sát cùng nhiều lĩnh vực khác.
Kể từ sáng 1/1/2021, hàng rào kiểm soát biên giới và hải quan cứng sẽ được dựng lên giữa Anh và EU. Hàng hóa qua lại giữa hai bên sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra, kiểm soát và những thủ tục hải quan nhất định.