Một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo đã được ký kết giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) dưới sự hòa giải của Saudi Arabia và Mỹ đã làm dấy lên hy vọng tạm dừng cuộc xung đột kéo dài 5 tuần tại quốc gia Bắc Phi này.
Thỏa thuận, được ký kết vào ngày 20/5 sau các cuộc đàm phán tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, sẽ có hiệu lực vào tối 22/5. Thỏa thuận kêu gọi phân phát hỗ trợ nhân đạo, khôi phục các dịch vụ chính yếu và rút các lực lượng vũ trang khỏi các cơ sở y tế và các hệ thống tiện ích công cộng trọng yếu.
Thỏa thuận Jeddah đánh dấu lần đầu tiên các bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn sau các cuộc đàm phán dù trước đó nhiều lần, các bên đều đưa ra thông báo ngừng bắn song giao tranh vẫn tái diễn.
Các nhà phân tích bày tỏ lo ngại không rõ liệu người đứng đầu quân đội Sudan Tướng Abdel Fattah al-Burhan hay chỉ huy RSF Mohamed Hamdan Dagalo (còn được gọi là Hemedti) có thể thực thi lệnh ngừng bắn hay không. Trước đó, cả hai đều mong một chiến thắng trong cuộc chiến và cả hai đều không đến đàm phán ở Jeddah.
Trong các tuyên bố ngày 21/5, Lực lượng vũ trang Sudan và RSF đã tái khẳng định cam kết ngừng bắn ngay cả khi giao tranh tiếp diễn. Các nhân chứng đã báo cáo các cuộc đụng độ lẻ tẻ ở phía Trung và phía Nam Khartoum vào sáng 21/5, theo sau là các cuộc không kích và hỏa lực phòng không vào cuối ngày ở phía Đông Khartoum và Omdurman,.
Kể từ khi giao tranh nổ ra, 1,1 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đến các tỉnh khác trong Sudan hoặc sang các nước láng giềng, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực.
Những người còn mắc kẹt ở Khartoum thì phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh nạn cướp bóc hoành hành, các dịch vụ y tế sụp đổ và nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, điện và nước đang cạn kiệt.
Safaa Ibrahim, một người dân 35 tuổi ở Khartoum, chia sẻ cô hy vọng thỏa thuận này có thể chấm dứt xung đột.
"Chúng tôi đã quá mệt mỏi với cuộc chiến này. Chúng tôi phải tháo chạy và gia đình phải sống rải rác giữa các thị trấn ở Sudan và Ai Cập. Chúng tôi muốn trở lại cuộc sống bình thường và an toàn. Hai vị tướng phải tôn trọng mong muốn được sống của mọi người”, Safaa nói.
Theo văn bản của thỏa thuận Jeddah, một ủy ban bao gồm ba đại diện của mỗi bên tham chiến, ba người Saudi Arabia và ba người Mỹ sẽ giám sát lệnh ngừng bắn.
Xung đột leo thang ở Sudan trong bối cảnh nảy sinh bất đồng giữa người đứng đầu quân đội, Abdel Fattah al-Burhan và người đứng đầu RSF Mohamed Hamdan Dagalo. Những vấn đề chính gây căng thẳng giữa hai bên liên quan đến thời gian và phương pháp thống nhất các lực lượng vũ trang của Sudan, cũng như việc bổ nhiệm tổng tư lệnh quân đội.
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, kể từ khi hai bên ký cam kết bảo vệ nguồn cung cấp viện trợ và cơ sở hạ tầng dân sự ở Jeddah vào ngày 11/5, xảy ra tổng cộng 34 cuộc tấn công vào các cơ sở y tế, cướp bóc nguồn cung cấp nhân đạo.
Hàng triệu thường dân đã bị mắc kẹt khi quân đội sử dụng các cuộc không kích và pháo kích để nhắm vào lực lượng RSF bám trụ tại các khu dân cư ngay từ đầu cuộc giao tranh.
Khi được hỏi về lời kêu gọi trang bị vũ khí từ một số thủ lĩnh bộ lạc, Tướng Atta cho biết điều này là không bắt buộc nhưng những người dân bị tấn công nên hành động để tự vệ.
Kể từ khi xung đột nổ ra, các khu vực khác ở Sudan cũng chứng kiến tình trạng bất ổn bùng phát, đặc biệt là khu vực phía Tây Darfur.
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 705 người đã thiệt mạng và ít nhất 5.287 người bị thương. Tuy nhiên, số người chết thực sự được cho là cao hơn nhiều.