Sự không chắc chắn liên quan đến tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển hiện đang bị Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa đã khiến các nhà đầu tư quốc tế thận trọng khi xem xét đầu tư vào cả hai nước.
Một số nhà phân tích kinh tế đã lưu ý rằng Phần Lan được coi là quốc gia có rủi ro cao hơn một chút trong “thời kỳ xám xịt” kể từ khi đăng ký đến lúc trở thành thành viên thực tế của NATO.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tiếp tục leo thang, tình hình càng trở nên phức tạp. Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng Phần Lan được coi là quốc gia có rủi ro cao hơn một chút trong giai đoạn này.
Mặc dù nguồn vốn không rút khỏi hai nước Bắc Âu, nhưng giờ đây, cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” đã thịnh hành ở hai nước Bắc Âu đối với các nhà đầu tư. Ngành du lịch cũng đã chứng kiến một số vụ bị hủy bỏ.
Theo tổng hợp của báo Keskisuomalainen, thông điệp đến từ Ngân hàng Nordea, công ty dịch vụ tài chính Nordnet và Viện Nghiên cứu Kinh tế Lao động (Labore) là rất rõ ràng: Trước khi đưa ra các quyết định tiếp theo, các nhà đầu tư cần xem liệu Nga có hành động gia tăng áp lực hay không.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết những trở ngại đang trì hoãn việc gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu vẫn tiếp tục diễn ra.
Suy giảm thương mại với Nga
Mặt khác, hai nước cũng sẽ chịu tác động kinh tế nặng nề từ việc hạn chế giao dịch với Nga. Ngân hàng Nordea cho biết: “Nền kinh tế Phần Lan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với hầu hết các nền kinh tế khu vực đồng Eurozone khác do mất thương mại với Nga".
Nga có chung đường biên giới dài 1.300 km với Phần Lan đã đe dọa trừng phạt nước này nếu gia nhập NATO.
Năm 2021, Phần Lan xuất khẩu trị giá ,8 tỷ euro, trong đó xuất khẩu sang Nga là 3,7 tỷ euro, chiếm khoảng 5,4% tổng kim ngạch. Nhập khẩu của Phần Lan trong cùng thời kỳ là 72,7 tỷ euro, trong đó giá trị nhập khẩu từ Nga là 8,6 tỷ euro, chiếm 11,9% tổng nhập khẩu.
Các đối tác thương mại song phương lớn nhất của Phần Lan là Đức và Thụy Điển, tiếp theo là Nga. Nga đóng một vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực then chốt của Phần Lan, ví dụ như ngành công nghiệp giấy và quan trọng là cung cấp năng lượng.
Cho đến trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, bất chấp việc Nga sáp nhập Crimea, sau đó là các lệnh trừng phạt của EU và các biện pháp đáp trả của Nga, Phần Lan vẫn duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga, nơi nhiều công ty Phần Lan có hoạt động kinh doanh. Năm 2019, các công ty mẹ của Phần Lan có 295 công ty con tại Nga, với tổng doanh thu khoảng 6,5 tỷ euro. Vào năm 2020, các công ty mẹ của Nga có 20 công ty con tại Phần Lan với tổng doanh thu là 3,2 tỷ euro với khoảng 740 nhân viên.
Tác động của các lệnh trừng phạt mới nhất từ phương Tây do xung đột ở Ukraine đã dẫn đến sự sụt giảm lớn thương mại giữa Phần Lan và Nga, theo người đứng đầu Cơ quan Thống kê tại Hải quan Phần Lan Olli-Pekka Penttila.
Pasi Kuoppamaki, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Danske nói: “Các biện pháp trừng phạt và tẩy chay đã làm ngưng trệ hầu hết thương mại ngoài lĩnh vực năng lượng. Phần lớn hậu quả là tiêu cực đối với nền kinh tế Phần Lan. Nhiều công ty xuất khẩu cần tìm thị trường mới, điều này sẽ mất thời gian khi sự phục hồi sau đại dịch toàn cầu đang gặp phải những trở ngại”.
Với Thụy Điển, xuất khẩu của nước này sang Nga trị giá 2,27 tỷ euro năm 2021, chỉ chiếm 1,3% tổng xuất khẩu của nước này. Năm 2020, Thụy Điển nhập khẩu 1,22 tỷ USD từ Nga. Thụy Điển ít phụ thuộc vào nhập khẩu của Nga một phần lớn là do các nguồn năng lượng của nước này chủ yếu là tự cấp trong nước. Do đó, các nhà phân tích cho rằng Thụy Điển không bị ảnh hưởng lớn từ việc đóng cửa thương mại với Nga.