Thời tiết trên toàn thế giới đang có những diễn biến khó lường từ khu vực châu Âu đến Bắc Mỹ. Theo nhật báo Pháp Le Monde, sự thất thường của thời tiết được thể hiện rõ ràng nhất tại Mỹ trong mùa đông qua, nơi thì nhiệt độ xuống đến mức kỷ lục, nơi thì phải chịu hạn hán nghiêm trọng. Theo ước tính của tập đoàn Moody’s, đợt lạnh tại miền Nam nước Mỹ vừa qua đã khiến từ 75.000 đến 100.000 người mất việc làm trong các ngành như sản xuất ô tô, dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, giao thông vận tải cũng bị ảnh nghiêm trọng. Chi phí cho năng lượng để sưởi ấm trong các gia đình cũng tăng cao.
Theo thống kê từ năm 1980 đến năm 2010, thiên tai tại Bắc Mỹ được đánh giá là nghiêm trọng nhất trên toàn cầu. Trong giai đoạn này, nước Mỹ bị thiệt hại đến 1.150 tỷ USD. Nếu tính riêng trong hai năm 2011-2012, nước Mỹ đã phải hứng chịu 98 vụ thiên tai - một con số vẫn là kỷ lục tính đến hiện tại. Trước thực trạng này, Tổng thống Barack Obama cam kết sẽ thành lập một quỹ hỗ trợ dành cho biến đổi khí hậu và thiên tai lên đến 1 tỷ USD.
Tuyết phủ trắng thị trấn miền bắc Shimla (Ấn Độ) ngày 15/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ở châu Âu. giới chuyên gia nhận định tình hình cũng không khả quan hơn. Trong mấy thập niên qua, nước Anh ngày càng phải hứng chịu nhiều trận mưa bão và lũ lụt nghiêm trọng. Mưa lũ hiện tại ở Anh được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ 250 năm qua. Mưa lũ đang gây khó khăn cho chính phủ của Thủ tướng David Cameron, khi phe đối lập chỉ trích chính phủ này đã không có các hành động ứng phó hiệu quả.
Ở bờ bên kia của biển Manche, nước Pháp cũng chịu cảnh mưa lũ tương tự . Chỉ trong vòng một thế kỷ, mực nước biển Manche đã dâng cao thêm 12 cm và ước tính sẽ tăng thêm từ 11 đến 16 cm từ nay đến năm 2030. Chính phủ Pháp cũng dự định tăng thuế để có thêm 600 triệu euro cho việc gia cố hơn 8.000 km đường đê.
Trên quy mô thế giới, thông kê của báo Le Monde chỉ ra rằng trong vòng 30 năm qua, mức thiệt hại do thiên tai đã tăng gấp 4 lần. Năm 2013, trên thế giới đã xảy ra 880 vụ thiên tai, cướp đi 20.000 sinh mạng, gây thiệt hại hơn 125 tỷ USD.
Trong khi đó, việc cứu trợ nạn nhân thiên tai còn rất nhiều hạn chế. Chẳng hạn như tại Philippines vừa qua, cơn bão Haiyan đã gây thiệt hại hơn 10 tỷ USD, nhưng các khoản viện trợ chỉ ở dừng ở mức 700 triệu USD.
Trước những nguy cơ mang tính toàn cầu, giới khoa học vẫn tiếp tục tranh cãi về nguyên nhân của hiện tượng này. Không phải ai cũng nhất trí rằng thời tiết bất thường là do tình trạng nóng lên của trái đất. Theo số liệu thăm dò, chỉ có 30% người Anh cho rằng thủ phạm gây ra hiện tượng thời tiết bất thường là do trái đất ấm lên. Báo Le Monde kết luận "Điều duy nhất chắc chắn, đó là thời tiết trên thế giới sẽ tiếp tục diễn biến khó lường".
TTXVN/Tin tức