Nhật Bản vừa có một bước ngoặt lịch sử tách ra khỏi chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến bằng việc dỡ bỏ rào cản pháp lý ngăn cản quân đội nước này tham chiến ở bên ngoài. Đây là một trong những điều chỉnh chính sách quan trọng nhất của nước này về pháp lý, đối ngoại, quốc phòng và an ninh kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng khi gắn với các diễn biến mới đây tại Biển Đông và Hoa Đông, nơi nhiều nước đang bày tỏ quan ngại về tham vọng bành trướng và thay đổi hiện trạng của Trung Quốc.
Trên danh nghĩa, đây đơn thuần chỉ là thay đổi cách hiểu bản Hiến pháp liên quan tới việc thực thi quyền phòng vệ tập thể mà Mỹ soạn thảo và áp đặt sau chiến tranh. Nhưng về thực chất, quyết định này sửa đổi nội dung bản Hiến pháp thời hậu chiến vốn ngăn cản quân đội Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể hay hậu thuẫn đồng minh hoặc đối tác hữu hảo trong trường hợp bị tấn công.
Đổi cách lập luận để thay đổi cách hành độngLực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản trong cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) ngày 1/7. |
Bất chấp một số ý kiến chỉ trích của dư luận và ngay cả trong nội bộ liên minh cầm quyền bày tỏ lo ngại rằng Điều 9 Hiến pháp phản đối chiến tranh sẽ mất tác dụng, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định thay đổi cách giải thích bản Hiến pháp liên quan đến quyền phòng vệ tập thể, nhằm cho phép Nhật Bản hướng tới một vai trò lớn hơn cho Lực lượng phòng vệ (SDF) trong các sứ mệnh quân sự ở nước ngoài. Theo nội dung dự thảo mà nội các thông qua, Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể trong trường hợp sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân. Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ nước đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế về các hoạt động của SDF trong việc triển khai quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và trong các vụ đụng độ bất ngờ có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh.
Quyết định trên là kết quả của cả một quá trình từ khá lâu nay nhưng phải đến khi ông Abe trở lại cầm quyền, Nhật Bản mới có được bước ngoặt lịch sử này. Thủ tướng Abe hiện đang nỗ lực nâng cao vị thế của Nhật Bản thành quốc gia đóng góp chủ động cho hòa bình và an ninh toàn cầu đồng thời tăng cường năng lực phòng vệ của SDF trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt với những nguy cơ về an ninh.
Động lực thúc đẩy phòng vệ tập thể Chuyển động trên không thể không gắn với quan hệ nhiều sóng gió của Nhật Bản với Trung Quốc liên quan tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư cũng như căng thẳng hiện nay trên Biển Đông khi Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước đó, những cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc với Nhật Bản xung quanh việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không rộng lớn trên biển Hoa Đông đã trở thành động lực cho những mong muốn diễn giải lại hoặc thay đổi điều 9 Hiến pháp - vốn được xem như một cam kết của Nhật Bản về việc không tham chiến.
Kể từ thất bại năm 1945, quân đội Nhật Bản chưa hề tham chiến. Mặc dù các chính phủ kế tiếp nhau đã nới rộng các giới hạn trong điều khoản hòa bình để phát triển lực lượng quân đội hiện đã tương đương với quân đội Pháp và cho phép thực thi các nghĩa vụ phi chiến đấu ở nước ngoài, song lực lượng vũ trang Nhật Bản vẫn bị hạn chế hơn rất nhiều so với quân đội các nước. Trong bối cảnh sự cân bằng quyền lực ở khu vực đang thay đổi, bao gồm sự lớn mạnh của một Trung Quốc với cách hành xử ngày càng hung hăng, các chính sách an ninh của Nhật Bản cần linh hoạt hơn.
Thông điệp an ninh mới
Quyết định mang tính lịch sử của Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ từ đồng minh lớn nhất là Mỹ. Các giới chức quân sự và ngoại giao Mỹ đánh giá đây là một bước tiến lớn trong quan hệ liên minh giữa Washington và Tokyo. Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho rằng chính sách mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, với tư cách là một đối tác an ninh của Mỹ, cũng như một quốc gia có tiếng nói quan trọng trong trật tự thế giới hiện nay. Theo ông, quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản có thể góp phần không nhỏ vào sự ổn định và an ninh tại châu Á-TBD nếu được thực thi minh bạch đi kèm tham vấn các nước láng giềng trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel coi đây là một bước đi nhằm nâng cao vị thế của Tokyo trong đảm bảo hòa bình, an ninh tại khu vực cũng như trên toàn cầu.
Trong khi đó, hai nước láng giềng của Nhật Bản là Trung Quốc và Hàn Quốc đã phản ứng khá thận trọng. Hàn Quốc, cũng là một đối tác liên minh với Mỹ giống như Nhật Bản song vẫn còn bất bình về giai đoạn thực dân hóa của Nhật đối với bán đảo Triều Tiên hồi thế kỷ trước, cho biết sẽ không chấp nhận bất cứ sửa đổi nào trong chính sách có tác động tới an ninh khu vực nếu sửa đổi đó chưa được nước này đồng ý, đồng thời hối thúc Tokyo đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực. Trung Quốc cảnh báo chính quyền của Thủ tướng Abe cần tránh các hành động mà Bắc Kinh cho là có thể đe dọa sự ổn định của khu vực châu Á - TBD.
Theo Richard Samuels, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), chuyển động của Nhật Bản sẽ khiến cho các đối thủ dễ dàng hơn khi vẽ chân dung nước này giống như con sói đội lốt cừu, song như vậy không có nghĩa là Nhật Bản sẽ trở thành quốc gia hiếu chiến. Nhật Bản muốn phát đi một thông điệp rằng với tư cách là một nước lớn tại châu Á -TBD, Tokyo có quyền và sẵn sàng can dự quân sự khi được đề nghị. Nói cách khác, quyền phòng vệ tập thể không chỉ là bảo đảm an ninh cho Nhật Bản mà còn đóng góp cho an ninh khu vực.
Nguyệt Ánh