Hàn Quốc đã tổ chức lễ kỷ niệm trên tại làng đình chiến Panmunjom bên phía nước này, với sự tham dự của khoảng 500 quan chức và người dân. Bên cạnh đó, buổi lễ cũng có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ từ 4 quốc gia Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, cả ông Moon và ông Kim Jong-un đều không tham dự sự kiện đáng chú ý trên.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong một thông điệp bằng video gửi đến buổi lễ kỷ niệm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ lạc quan hai miền Triều Tiên sẽ đạt được "hòa bình không thể đảo ngược" và cùng thịnh vượng trên cơ sở thỏa thuận thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một năm trước đây.
Kỷ niệm 1 năm ký kết một loạt thỏa thuận tại làng đình chiến Panmunjom, ông Moon gọi đây là "một ngày rực rỡ". Các thỏa thuận trong tuyên bố Panmunjom đang được thực hiện từng bước một. Ông nêu rõ hai miền Triều Tiên dỡ bỏ các trạm gác trong Khu phi quân sự (DMZ), việc khai quật hài cốt binh sỹ tử trận trong chiến tranh vẫn đang được tiến hành, căng thẳng đã giảm bớt tại các khu vực đánh cá gần đường ranh giới trên Hoàng Hải và một văn phòng liên lạc chung đang hoạt động tại thành phố biên giới Kaesong. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị kết nối đường sắt và đường bộ liên Triều cũng đã hoàn tất.
Trong khi đó, Triều Tiên không đáp lại lời mời của Hàn Quốc tới dự lễ kỷ niệm. Thay vào đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình của Triều Tiên, chuyên phụ trách quan hệ liên Triều, hối thúc Hàn Quốc triển khai “những biện pháp tích cực hơn” nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Theo ủy ban này, hội nghị thượng đỉnh liên Triều cách đây 1 năm đã khởi động lại tiến trình tái thống nhất đất nước, song Mỹ đang gây sức ép với Hàn Quốc nhằm chặn đứng những bước tiến hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong bài bình luận đăng trên KCNA cùng ngày, Triều Tiên cũng chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời cảnh báo Seoul và Washington rằng những hoạt động quân sự chung “thiếu thận trọng” của hai nước đồng minh này sẽ chỉ đem lại “sự hối tiếc” và hậu quả khôn lường.
Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều cách đây đúng 1 năm, hai nhà lãnh đạo đã ký kết Tuyên bố chung Panmumjom trong đó thống nhất cùng nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ song phương, theo đó hạ nhiệt căng thẳng quân sự và mở rộng trao đổi và hợp tác xuyên biên giới.
Không chỉ mang lại làn gió mới cho quan hệ ngoại giao song phương, hội nghị còn giúp xoa dịu những căng thẳng vốn phủ bóng quan hệ song phương trong nhiều năm và tái khởi động những mối liên hệ và trao đổi liên Triều đã trì hoãn từ lâu.
Tuy nhiên, những hoạt động trao đổi xuyên biên giới có dấu hiệu chững lại trong vài tháng gần đây, dường như do tác động của sự đình trệ trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Quan ngại gia tăng sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua kết thúc mà không có thỏa thuận.
Với mong muốn tháo gỡ bế tắc và khởi động lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gần đây bày tỏ hy vọng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 4 với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhưng phía Triều Tiên chưa phản hồi về đề nghị này.