Tuyên bố trên được đưa ra sau khi thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May và EU nhất trí không vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh.
Phát biểu với đài truyền hình Deutschlandfunk, ông Maas nhấn mạnh cần phải tiến hành ngay các cuộc thảo luận mới giữa Anh và EU liên quan đến thỏa thuận Brexit, đồng thời cho biết thêm nếu nhận được đề nghị từ phía Anh về việc lùi thời hạn rời khỏi EU, khối này sẽ tiến hành thảo luận một cách có hệ thống.
Nhà ngoại giao Đức cũng cho rằng hai bên cần thảo luận điều khoản "rào chắn", vốn nhằm giúp đảm bảo một biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland, một thành viên của EU, sau Brexit bởi EU không muốn một hàng rào thuế quan trong mọi hoàn cảnh tại khu vực này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho hay EU sẽ xem xét mọi đề xuất mới liên quan đến thỏa thuận Brexit mà London đưa ra, song những vấn đề cốt lõi của thỏa thuận này là không thể thương lượng.
Liên quan hạn chót Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3 tới, Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Nathalie Loiseau lại để ngỏ khả năng EU chấp nhận lùi thời hạn này nếu London đưa ra đề xuất.
Trả lời trên đài phát thanh France Inter, bà Loiseau khẳng định về pháp lý và kỹ thuật thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra, song Anh cần phải đưa ra đề nghị và cần phải có sự đồng thuận từ tất cả 27 thành viên khác của EU. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh thỏa thuận Brexit mà Anh và giới chức EU nhất trí là duy nhất và không thể xem xét lại.
Khác với lập trường của giới chức Pháp, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier khẳng định khối này sẵn sàng thảo luận với Anh về một thỏa thuận khác, song chỉ khi London thay đổi những yêu cầu cốt lõi của mình.
Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP) cùng ngày, ông Barnier đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May, đồng thời cảnh báo nguy cơ Anh rút khỏi EU một cách lộn xộn đang lớn hơn bao giờ hết.
Ông cho rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ chuẩn bị cho kịch bản này, đồng thời chỉ ra "con đường" để Anh chấp nhận liên kết chặt chẽ hơn với các quy tắc của EU nhằm đảm bảo mối quan hệ thương mại trong tương lai, như London có thể từ bỏ ý định rời khỏi liên minh thuế quan với EU và thị trường đơn nhất.
Trong khi đó, cùng ngày, nhà kinh tế học Adrian Paul thuộc ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng việc Quốc hội Anh bác thỏa thuận Brexit nhiều khả năng dẫn tới một Brexit "mềm hơn", "chậm trễ hơn" hơn, thậm chí là "không Brexit".
Trước đó, với tỷ lệ 202 phiếu thuận và 432 phiếu chống, Hạ viện Anh đã bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May và các lãnh đạo EU đã nhất trí hồi cuối năm ngoái. Điều này đã gây ra sự xáo trộn trên chính trường Anh, và có thể dẫn tới một Brexit lộn xộn hoặc thậm chí đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016 về việc Anh rời khỏi EU.