Thông điệp 'va chạm' thực tế khi Pháp, Đức, Ý ủng hộ Ukraine vào EU

Tại Kiev, ba “ông lớn” của EU tán thành tư cách ứng cử viên của Ukraine nhưng chiến tranh lại đang phủ bóng lên khát vọng của nước này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine, Zelensky gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU, Thủ tướng Italy Draghi, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Romania Iohannis đến thăm Kiev ngày 16/6. Ảnh: AFP

Theo trang Politico, bằng cách tuyên bố ủng hộ việc Ukraine và Moldova trở thành ứng cử viên chính thức trở thành thành viên EU, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italy ngày 16/6 đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Putin: phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô đã kết thúc, và sẽ không thể hồi sinh bằng vũ lực.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng đưa ra một thông điệp khác thậm chí còn rõ ràng và tức thì hơn cho Nga: EU và các đồng minh của họ sẽ không thúc đẩy Ukraine vào bất kỳ quyết định đầu hàng hoặc thỏa hiệp lãnh thổ nào để chấm dứt chiến tranh.

“Chúng tôi muốn các hành động tàn ác dừng lại và chúng tôi muốn hòa bình”, ông Draghi nói trong cuộc họp báo ở Kiev, nơi ông và những người đồng cấp xuất hiện bên cạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. “Nhưng Ukraine phải tự vệ nếu muốn hòa bình, và Ukraine sẽ chọn hòa bình mà họ muốn. Bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cũng không thể tách rời ý chí của Kiev, khỏi những gì mà người dân cho là có thể chấp nhận được. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài ”, Thủ tướng Italy nhấn mạnh.

Sự trấn an đó có ý nghĩa lớn đối với các quan chức Ukraine, những người đã lo sợ trong suốt cuộc chiến kéo dài gần 4 tháng qua rằng các đồng minh phương Tây có thể cố gắng buộc họ phải thoả hiệp một cách bất công.

Trong những tháng gần đây, các nhà lãnh đạo của ba “ông lớn” EU đã phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích vì dường như có xu hướng chấp nhận những yêu cầu và đòi hỏi của Nga. Chẳng hạn, ông Macron đã đàm phán không ngừng với người đồng cấp Putin, còn Berlin thì chậm gửi vũ khí cần thiết.

Tuy nhiên, bất chấp những lời hùng biện đầy khích lệ, bộ ba nhà lãnh đạo - đại diện cho các quốc gia lớn nhất, giàu nhất và quyền lực nhất của EU - đã không công bố bất kỳ hỗ trợ quân sự hoặc tài chính mới nào cho Ukraine, điều được Kiev mong đợi có thể giúp thúc đẩy cuộc chiến theo hướng có lợi. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 15/6 đã tuyên bố hỗ trợ thêm 1 tỷ USD cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Đức cam kết gửi siêu pháo tự hành Gepard cho Ukraine. Ảnh: DW

Thương vong của Ukraine đang tăng lên khi quân đội nước này nỗ lực ngăn chặn lực lượng Nga hiện đang mở rộng kiểm soát hững dải đất rộng lớn ở phía nam và phía đông của đất nước. Và không có chỉ dấu nào cho thấy Ukraine có thể đạt được bước tiến mà không cần tăng cường viện trợ.

Tuyên bố ủng hộ vị thế ứng cử viên EU được đưa ra trong một chuyến đi mang tính biểu tượng cao tới Ukraine, nơi các nhà lãnh đạo đến thăm Kiev và Irpin.

Các nhà lãnh đạo khác, bao gồm Thủ tướng Séc, Ba Lan và Slovenia, đã đến thăm Ukraine từ giữa tháng 3. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola tới vào cuối tháng 3 và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đến thăm Kiev hai lần kể từ khi bùng nổ xung đột, vào tháng 4 và một lần nữa vào tuần trước.

Trong phần lớn thời gian đó, ông Macron bận tâm với chiến dịch tái tranh cử của mình ở Pháp, và ông Scholz đã từ chối lời mời đến thăm sau khi Ukraine từ chối Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier đến vào tháng 4.

Chú thích ảnh
Pháp cam kết gửi thêm pháo Caesar cho Ukraine.

Lần này, ba đại diện nước lớn đã cùng đi với Tổng thống Romania Klaus Iohannis, đại diện cho các quốc gia thành viên mới hơn ở phía đông của EU, trong một nỗ lực rõ ràng để bác bỏ những chỉ trích rằng các thành viên sáng lập lớn của EU đang hoạt động như một nhóm độc quyền.

Giống như những người bạn đồng hành của mình, ông Iohannis cũng lên tiếng ủng hộ việc cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine và Moldova khi vấn đề này được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tuần tới.

Trong một bước thủ tục bắt buộc, Hội đồng Châu Âu ngày 17/6 sẽ chính thức đề xuất việc chỉ định ứng cử viên, nhưng họ dự kiến từ chối làm như vậy đối với Georgia (Gruzia), quốc gia cũng đã nộp đơn xin gia nhập do tình hình chính trị bất ổn.

Một số quốc gia Tây Balkan, bao gồm Albania, Bắc Macedonia và Montenegro, đã bị đình trệ đơn xin gia nhập trong nhiều năm. Hôm 16/6, ba quốc gia đó đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine và Moldova - loại bỏ một lý do tiềm năng mà một số quốc gia đã viện dẫn để không cấp tư cách ứng cử viên cho Kiev.

Nhưng ngay cả khi họ lên tiếng ủng hộ, ba nhà lãnh đạo Draghi, Macron và Scholz đều để ngỏ khả năng Hội đồng châu Âu có thể áp đặt các điều kiện đối với Ukraine, bao gồm các yêu cầu tăng cường thể chế dân chủ và pháp quyền, trước khi Kiev được phép bắt đầu đàm phán gia nhập chính thức.

Nhiều quan chức và nhà ngoại giao EU cho biết khó có thể tưởng tượng Ukraine đạt được nhiều tiến bộ hướng tới tư cách thành viên khi nước này vẫn còn chiến tranh, và Tổng thống Macron nói rằng quá trình tổng thể có thể mất một thập kỷ hoặc lâu hơn.

Tuy vậy, ở Kiev, ông Macron chủ yếu đưa ra những thông điệp tích cực. “Châu Âu đang sát cánh cùng các bạn, sẽ duy trì chừng nào cần thiết, cho đến khi chiến thắng”, Tổng thống Pháp nói. Ông Macron cũng nhân chuyến thăm thông báo rằng Pháp sẽ gửi thêm 6 xe pháo tự hành Caesar cho quân đội Ukraine, bổ sung vào hàng chục chiếc đã được gửi trước đó, cùng với một phòng thí nghiệm phân tích DNA di động để giúp xử lý bằng chứng về cáo buộc tội ác chiến tranh.

“Cả bốn người chúng tôi đều ủng hộ tư cách ứng cử viên ngay lập tức cho tư cách thành viên”, nhà lãnh đạo Pháp nói, lưu ý rằng đó chỉ là bước khởi đầu của một quá trình dài hơn.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Thủ tướng Anh bất ngờ đến Ukraine lần thứ hai
Thủ tướng Anh bất ngờ đến Ukraine lần thứ hai

Ngày 17/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đến thủ đô Kiev của Ukraine lần thứ hai để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN