Đài RT (Nga) ngày 7/8 dẫn một báo cáo gần đây của đài CBS (Mỹ) cho rằng, trong khi Mỹ và các đồng minh cam kết hỗ trợ quân sự ở mức độ chưa từng có đối với Ukraine, chỉ có khoảng 30% vũ khí mà phương Tây gửi tới thực sự đến được tiền tuyến. Báo cáo này cho biết thêm về những tin đồn liên quan đến tình trạng lãng phí, tham nhũng và thị trường chợ đen ở Ukraine.
Theo RT, Mỹ đã phê duyệt hơn 54 tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine kể từ tháng 2, trong khi Anh cam kết viện trợ quân sự gần 3 tỷ USD, và EU đã chi 2,5 tỷ USD mua vũ khí cho Kiev. Toàn bộ thiết bị, từ súng trường và lựu đạn cho đến tên lửa chống tăng và nhiều hệ thống tên lửa đã rời phương Tây để tới Ukraine, và hầu hết chuyển vào nước này qua ngả Ba Lan. Tuy nhiên, điều này hiếm khi diễn ra suôn sẻ.
Đài CBS cho biết, trong cuộc xung đột phần lớn diễn ra trong các chiến hào như thời Thế chiến II, một dòng lớn vũ khí hiện đại của NATO và nguồn cung cấp quân sự từ phương Tây vào Ukraine đã được chứng minh là một trong những yếu tố mang tính quyết định. Phần lớn vũ khí và vật tư quân sự này được chuyển đến biên giới Ba Lan, nơi các đồng minh của Mỹ và NATO nhanh chóng đưa chúng qua biên giới, chuyển giao cho giới chức Ukraine.
CBS đã từng phỏng vấn ông Jonas Ohman, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Blue-Yellow, một tổ chức có trụ sở tại Litva thực hiện hoạt động cung cấp cho các đơn vị tiền tuyến Ukraine các loại viện trợ quân sự phi sát thương kể từ khi xung đột bắt đầu. Hồi tháng 4, ông Ohman ước tính rằng chỉ có "30 - 40%" nguồn cung cấp qua biên giới đến đích cuối cùng. Tuy vậy, ông Ohman cho biết tình hình đã được cải thiện đáng kể kể từ đó và một số lượng lớn hơn nhiều vũ khí hiện đã đến đúng nơi.
Kênh CBS giải thích, do các chiến tuyến liên tục thay đổi ở Ukraine với các lực lượng chủ yếu là quân tình nguyện và bán quân sự, nên việc vận chuyển viện trợ quân sự gặp khó khăn với những người đang nỗ lực điều hướng các tuyến hậu cần nguy hiểm đến đích. Một số người đã đưa ra lo ngại về việc vũ khí rơi vào thị trường chợ đen của Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine khẳng định rằng họ giám sát từng vũ khí đi qua biên giới của mình. Ông Yuri Sak, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Alexey Reznikov, nói với Financial Times vào tháng trước rằng các báo cáo tung ra thông tin ngược lại “có thể là một phần trong cuộc chiến thông tin của Nga nhằm làm nản lòng các đối tác quốc tế cung cấp vũ khí cho Ukraine”.
Hôm 1/8 vừa qua, ông Mikhail Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, nhấn mạnh "không có bằng chứng" nào cho thấy vũ khí được đưa vào đất nước ông là không được giám sát. Ông Podoliak nói: “Nga tìm cách làm mất uy tín của Ukraine trong mắt các xã hội phương Tây với những cáo buộc về ‘vũ khí chợ đen’”.
Chính phủ Ukraine cũng lưu ý rằng tùy viên quốc phòng Mỹ, Chuẩn tướng Garrick M. Harmon đã đến Kiev vào tháng 8/2022 để giám sát và kiểm soát vũ khí.
Vào tháng 7, bà Bonnie Denise Jenkins, Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết "khả năng chuyển hướng bất hợp pháp vũ khí nằm trong một loạt các cân nhắc về chính trị-quân sự và nhân quyền". Nhưng bà nói thêm: "Chúng tôi tin tưởng vào cam kết của Chính phủ Ukraine trong việc bảo vệ thích hợp và giải trình các thiết bị quốc phòng có xuất xứ từ Mỹ."
Ukraine cũng đã thành lập một ủy ban đặc biệt tạm thời để theo dõi luồng vũ khí bên trong nước này.
Tuy nhiên, theo CBS, các chuyên gia vũ khí cho biết họ đã từng chứng kiến những tình huống chuyển hướng vũ khí bất hợp pháp trong quá khứ.
Bà Donatella Rovera, một cố vấn cấp cao về khủng hoảng của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: Mọi quốc gia và mọi hoàn cảnh đều rất khác nhau, nhưng chắc chắn nếu tôi nhìn lại, Iraq là một quốc gia khác nhận nhiều lô hàng chuyển giao định kỳ. Chúng tôi đã thấy rất nhiều vũ khí được đưa vào Iraq năm 2003 và sau đó năm 2014, ISIS đánh chiếm nhiều vùng của đất nước và tiếp quản kho vũ khí lớn vốn của các lực lượng Iraq”.
Bà Rovera bổ sung: “Gần đây hơn, chúng tôi thấy tình trạng tương tự xảy ra ở Afghanistan” khi Mỹ rút quân và Taliban tiếp quản đất nước cùng các vũ khí Mỹ để lại. "Chúng ta cần có cơ chế giám sát để tránh điều đó."
Về phần mình, đài RT cho biết một số quan chức ở phương Tây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Một nguồn tin tình báo Mỹ nói với CNN vào tháng 4 rằng Washington gần như không biết điều gì sẽ xảy ra với những vũ khí này, mô tả các lô hàng sẽ rơi “vào một hố đen lớn” khi vào Ukraine. Các nguồn tin Canada vào tháng trước cũng cho biết họ “không biết” vũ khí của mình thực sự đi đến đâu.
Europol từng tuyên bố rằng một số loại vũ khí viện trợ đã tới tay các nhóm tội phạm có tổ chức ở Liên minh châu Âu (EU), trong khi Nga cảnh báo rằng chúng đang xuất hiện ở Trung Đông. Một cuộc điều tra của RT vào tháng 6 cho thấy trên các chợ trực tuyến, những vũ khí tinh vi của phương Tây - chẳng hạn như hệ thống chống tăng Javelin và NLAW hay máy bay không người lái tấn công liều chết Phoenix Ghost và Switchblade - dường như đang được bán với giá rẻ.
Theo RT, tại Syria, vũ khí của Mỹ dành cho lực lượng 'phiến quân ôn hòa' cuối cùng lại nằm trong tay khủng bố IS và các chiến binh thánh chiến Al-Nusra, trong khi vũ khí bán cho Saudi Arabia lại bị phiến quân Houthi thu giữ ở Yemen.