Thủ đô Bắc Kinh kích hoạt các biện pháp 'thời chiến' nhằm ngăn ổ dịch mới lây lan

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa và tiến hành xét nghiệm đại trà sau khi một ổ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bùng phát tại khu chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất thành phố dấy lên lo ngại về một làn sóng dịch mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu tại một trung tâm xét nghiệm vừa được dựng lên gần chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Ngày 15/6, Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ghi nhận 36 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 79 trường hợp sau khi phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên tại thành phố sau gần 2 tháng vào ngày 12/6.

Chùm lây nhiễm mới được phát hiện tại khu chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất ở Bắc Kinh. Trước đó, thành phố không phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng nào suốt gần 2 tháng qua. Chợ Tân Phát Địa là đầu mối bán rau củ tươi quan trọng nhất ở Bắc Kinh. Nơi đây cũng bán cả thịt và hải sản. Khu chợ nông sản khổng lồ có diên tích trên 900.000m2 này đã lập tức bị đóng cửa từ ngày 13/6.

Trong khi đó, dịch COVID-19 cũng đã xuất hiện tại tỉnh Liêu Ninh và Hà Bắc, với 5 ca nhiễm mới được phát hiện có tiếp xúc gần với các bệnh nhân ở Bắc Kinh.

Tin tức về chùm lây nhiễm mới từ chợ Tân Phát Địa đã gây choáng váng khắp Trung Quốc. Trong cuộc họp báo ngày 14/6, người phát ngôn Chính quyền Bắc Kinh, Xu Hejian đã mô tả đây là “một giai đoạn cực kỳ đặc biệt”.

Sự tái xuất đột ngột của virus SARS-CoV-2 ở Bắc Kinh, vốn đứng trong top những thành phố an toàn nhất của Trung Quốc, đã dấy lên lo ngại về một làn sóng lây nhiễm thứ hai và khả năng áp đặt trở lại các lệnh hạn chế từng đưa hầu khắp đất nước vào tình trạng ngừng trệ.

Tại cuộc họp Chính phủ vào cuối ngày 14/6, Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan cho biết, nguy cơ từ ổ dịch mới bùng phát là “rất cao”, khi Bắc Kinh có mật độ dân số lớn và mức độ dịch chuyển mạnh.

Các biện pháp “thời chiến”

Ngay ngày 13/6, quận Phong Đài, nơi tọa lạc chợ Tân Phát Địa, đã khởi động “cơ chế thời chiến” và thành lập một trung tâm chỉ huy nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Cảnh sát đeo khẩu trang và kính bảo hộ đứng gác ở lối vào chợ đầu mối Tân Phát Địa, Bắc Kinh ngày 13/6. Ảnh: Getty Images

Trên truyền thông xã hội, trang web của tờ Thời báo Hoàn cầu của chính phủ Trung Quốc, đăng tải một video cho thấy hình ảnh các cảnh sát bán quân sự đeo khẩu trang và kính bảo hộ tuần tra khu chợ sau khi nơi này bị đóng cửa ngày 13/6, một ngày sau khi phát hiện các ca lây nhiễm mới.

Nhà chức trách cũng lập tức phong tỏa 11 khu dân cư lân cận chợ Tân Địa Phát, nghiêm cấm mọi người ra vào. Người dân tại đây sẽ được kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, được cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm tận nơi.

Bắc Kinh cũng triển khai xét nghiệm axit nucleic hàng loạt, thiết lập 193 trạm lấy mẫu trên toàn thành phố. Ngay ngày 14/6, đã có hơn 76.000 người được xét nghiệm, trong đó xác định 59 người có kết quả dương tính. 

Xét nghiệm axit nucleic hoạt động dựa trên việc phát hiện mã di truyền của virus SARS-CoV-2 và có thể hiệu quả hơn trong việc phát hiện ca lây nhiễm, đặc biệt ở giai đoạn đầu, so với các xét nghiệm kiểm tra phản ứng miễn dịch của cơ thể. Theo giới chức thành phố, quận Phong Đài đã lấy mẫu của 8.950 người làm việc tại chợ Tân Phát Địa. Cho đến nay, hơn 6.000 mẫu đã được xét nghiệm và kết quả đều âm tính.

Các nhà chức trách cũng theo dõi và thu thập các mẫu từ gần 30.000 người đã đến chợ trong 14 ngày trước khi đóng cửa. Toàn bộ 12.000 xét nghiệm được thực hiện cho đến nay đều cho kết quả âm tính – theo ông Xu Hejian.

Trước diễn biến đáng ngại mới này, nhà chức trách Bắc Kinh đã huy động tới 100.000 nhân viên cộng đồng trong nỗ lực ngăn chặn một đợt bùng phát dịch mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên đo nhiệt độ cho người dân trên đường phố bên ngoài chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh hôm 12.6. Ảnh: AFP.

Chính quyền Thủ đô yêu cầu bất cứ ai đã từng đến chợ và những người có tiếp xúc gần với họ đều phải ở nhà trong 2 tuần để theo dõi y tế. Bắc Kinh cũng hoãn mở cửa các trường học tiểu học, vốn ban đầu dự kiến mở lại vào ngày 15/6. Một số quan chức địa phương, bao gồm cả Phó Chủ tịch quận Phong Đài đã bị cách chức sau khi để dịch bệnh bùng phát.

Tuy vậy lần bùng phát dịch này không phải là lần đầu tiên virus SARS-CoV-2 quay lại Trung Quốc. Hồi tháng 5, một số nơi ở vùng Đông Bắc đất nước đã nhanh chóng bị phong tỏa sau khi một số ca bệnh “nhập khẩu” đã làm lây lan virus ra cộng đồng địa phương.

Trước khi xảy ra cụm lây nhiễm ở chợ đầu mối Tân Địa Phát, nhờ áp đặt các lệnh cấm đi lại sớm, Bắc Kinh chỉ ghi nhận 420 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 9 người tử vong, so với trên 80.000 ca và 4.634 trường hợp tử vong trên toàn Trung Quốc. 

Giống như hầu hết các vùng còn lại của đất nước, cuộc sống tại Bắc Kinh chỉ vừa mới bắt đầu trở lại bình thường, các doanh nghiệp và trường học mở cửa lại và người dân được phép tới các trung tâm mua sắm, công viên, nhà hàng.

Trong một dấu hiệu thể hiện sự tin tưởng vào việc chính phủ đã kiểm soát thành công dịch, Quốc hội Trung Quốc thậm chí đã tổ chức cuộc họp thường niên vào cuối tháng 5, sau hai tháng đóng cửa. Quốc hội đã cho phép hàng ngàn đại biểu từ mọi miền tới Bắc Kinh và ngồi cạnh nhau trong kỳ họp kéo dài 10 ngày này.

Chú thích ảnh
Một người phụ nữ đứng sau hàng rào khi chờ giao hàng đặt trực tuyến, tại khu dân cư đã bị phong tỏa gần chợ Tân Địa Phát ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Truy dấu nguồn bệnh

Ổ dịch tại Bắc Kinh được cho là bài kiểm tra mới nhất đối với chiến lược kiểm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Ông Hu Xijin, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ không trở thành một “Vũ Hán thứ hai”.  “Không bao giờ Bắc Kinh trở thành Vũ Hán 2.0. Thế giới sẽ chứng kiến khả năng mạnh mẽ của Trung Quốc trong kiểm soát đại dịch, trong đó có sự lãnh đạo của chính phủ, sự tôn trọng khoa học, tinh thần tự nguyện hợp tác của người dân và sự phối hợp toàn quốc trong các biện pháp kiểm soát. Chúng tôi sẽ chiến thắng một lần nữa”, ông Hu Xijin đăng trên Twitter ngày 15/6.

Hiện nay chính quyền Bắc Kinh vẫn đang tìm cách truy dấu nguồn của ổ dịch mới nhất, cam kết sẽ tiến hành “các cuộc điều tra dịch tễ học nghiêm ngặt nhất”. Ông Zhang Yuxi, Giám đốc chợ Tân Địa Phát, cho biết virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện trên một chiếc thớt của người bán cá hồi nhập khẩu tại chợ. Tiết lộ này dấy lên lo ngại về về tình trạng lây nhiễm ở quy mô rộng hơn. Một số chuỗi siêu thị sau đó đã thu hồi cá hồi khỏi các kệ hàng, theo tờ Nhật báo Bắc Kinh.

Trong khi các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Bắc Kinh cho biết trình tự bộ gien chỉ ra rằng loại virus tìm thấy ở chợ Tân Địa Phát tương tự như các chủng ở châu Âu.

"Tuy nhiên vẫn không chắc chắn virus này có nguồn gốc như thế nào. Nó có thể bắt nguồn từ hải sản hoặc thịt bị nhiễm virus, hoặc được lây lan bởi những người đã tới chợ qua dịch tiết của họ”, nhà nghiên cứu Yang Peng nói với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc hôm 14/6.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu phục hồi dù còn chật vật
Kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu phục hồi dù còn chật vật

Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 15/6 cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN