Cục trưởng DMS Somsak Ankasil ngày 26/7 thừa nhận rằng tất cả các giường dành cho bệnh nhân nặng tại các bệnh viện công đều đã kín chỗ, trong khi nhiều bệnh nhân nặng hiện vẫn đang chờ được điều trị trong các phòng cấp cứu tại 2 bệnh viện Lerdsin và Nopparat.
Bangkok, tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ ba ở Thái Lan hiện nay, có tổng cộng 36.977 giường trong các bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, hiện có 37.6 bệnh nhân cần điều trị, tức là vượt quá 691 ca so với khả năng. Trong khi đó, thành phố này chỉ còn 257 giường trong các bệnh viện dã chiến và 1.021 giường trong các bệnh viện-khách sạn dành cho các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ.
Tình trạng thiếu giường bệnh đang trở nên trầm trọng hơn do cần phải có các cơ sở ICU riêng biệt cho bệnh nhân COVID-19 để tránh lây nhiễm chéo sang các bệnh nhân nặng khác. Các quan chức y tế Bangkok đã đề nghị quân đội triển khai nhân viên y tế để giúp ứng phó với làn sóng các bệnh nhân COVID-19 mới. Quân đội Thái Lan hiện có tổng cộng 37 bệnh viện quân y, chủ yếu ở các tỉnh. Việc mở các bệnh viện dã chiến trong khuôn viên của các bệnh viện quân y nhằm giải quyết số lượng người mắc ngày càng tăng khi dịch bệnh đang lây lan từ Bangkok và các khu vực lân cận đến các tỉnh.
Người phát ngôn Lục quân Santipong Thammapiya cho biết nếu các bệnh viện dã chiến được mở tại tất cả 37 quân y viện thì sẽ có tổng cộng 3.600 giường bệnh. Hiện có 20 bệnh viện quân y hoạt động kiêm nhiệm bệnh viện dã chiến, trong đó có 2 bệnh viện ở Bangkok. Ngoài ra, các câu lạc bộ quân đội đang được chuyển đổi thành các trung tâm lưu trú dành cho bệnh nhân COVID-19 trong khi chờ chuyển đến bệnh viện dã chiến hoặc bệnh viện. Các trung tâm này cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản cho những người bị nhiễm và giúp tách họ khỏi gia đình nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm.
Thái Lan ngày 27/7 ghi nhận thêm 14.150 ca nhiễm mới cùng 118 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 526.828, trong đó có 4.264 người không qua khỏi.
Trong khi đó, tại Australia, tình hình dịch bệnh ở bang New South Wales tiếp tục diễn biến phức tạp khi chính quyền bang ngày 27/7 ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 172 ca trong 24 giờ qua, trong đó hơn 60 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cho biết phần lớn các ca nhiễm mới xuất hiện tại khu vực phía Tây Sydney do lây lan tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết yếu vẫn được phép hoạt động và do tiếp xúc giữa các thành viên gia đình chưa được tiêm chủng.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trước tình hình trên, bà Berejicklian cho hay rủi ro sẽ rất cao nếu chính quyền bang dỡ bỏ lệnh phong tỏa quá sớm, do đó chính quyền sẽ công bố gia hạn lệnh phong tỏa hiện nay, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/7 tới, vào sáng 28/7. Bên cạnh đó, chính quyền cũng sẽ thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trên toàn bang và xem xét thêm các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trong một nỗ lực nhằm tăng cường cung cấp các thông tin y tế quan trọng tới các cộng đồng không sử dụng tiếng Anh ở địa phương, chính quyền bang cũng thông báo trong các ngày tới, các buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 hàng ngày sẽ được dịch trực tiếp sang tiếng Việt và tiếng Arab, hai ngôn ngữ được sử dụng khá phổ biến ở các vùng Tây Nam và Tây Sydney, tiếp theo đó là tiếng Assyria và tiếng Trung.
Tại Melbourne - thành phố lớn thứ 2 của Australia, sau khi đợt bùng phát dịch do biến thể Delta gây ra đã được kiểm soát, chính quyền thành phố quyết định sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa từ đêm 27/7. Theo đó, các trường học, nhà hàng và cửa hàng sẽ được mở cửa trở lại nhưng quy định đeo khẩu trang vẫn được duy trì. Bang láng giềng South Australia cũng sẽ được nới lỏng quy định "phải ở nhà".