Thư ký thường trực BMA Silapasuai Rawisaengsun cho biết thủ đô Bangkok đang chuẩn bị nhân sự y tế để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 trong bối cảnh các ca lây nhiễm mới gia tăng. Theo bà Silapasuai, BMA đã thành lập một bệnh viện dã chiến tại Viện lão khoa ở Bang Khuntien để điều trị cho những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc những người có triệu chứng nhẹ. Bệnh viện này có thể phục vụ được 500-600 người và MBA đang khảo sát những khu vực khác có khả năng trở thành bệnh viện dã chiến.
Thủ đô Bangkok là một trong số 28/77 tỉnh, thành ở Thái Lan được công bố thuộc vùng đỏ, phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19. Trong ngày 8/1, Thái Lan đã ghi nhận thêm 205 ca mắc COVID-19, gồm 131 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 58 ca từ việc truy vết xét nghiệm và 16 ca "nhập khẩu", nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 9.841 trường hợp, trong đó có 67 bệnh nhân tử vong. Trong số các ca lây nhiễm mới được công bố ngày 8/1, vùng tâm dịch Samut Sakhon có 37 ca, đứng thứ hai là thủ đô Bangkok với 29 ca.
Ngoài 28 tỉnh, thành thuộc vùng đỏ, Chính phủ Thái Lan đã đặt 5 tỉnh có số lượng lây nhiễm cao nhất là Chanthaburi, Chon Buri, Trat, Rayong và Samut Sakhon vào diện kiểm soát tối đa. Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết người dân ở 5 tỉnh này phải sử dụng ứng dụng truy vết MorChana theo quy định mới được ban hành.
Trước đó, ông Taweesilp cũng cho biết các quan chức cấp cao của Bộ Y tế và các văn phòng tỉnh đang khảo sát các khu vực để tìm kiếm địa điểm phù hợp cho các bệnh viện dã chiến. Ông Taweesilp nói rằng Thái Lan phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, đó là số ca nhiễm mới sẽ tăng mạnh và cần nhiều bệnh viện hơn.
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, Bộ trưởng Nguồn nhân lực Malaysia M. Saravanan ngày 8/1 đã yêu cầu chủ sử dụng lao động phải cung cấp các trung tâm cách ly dành cho lao động nước ngoài mắc COVID-19. Thông báo cũng nêu rõ chủ lao động phải chi trả chi phí y tế và phúc lợi cho lao động nước ngoài trong thời gian cách ly. Theo Bộ trưởng M. Saravanan, người sử dụng lao động cần phải báo cáo ngay lập tức tới Bộ Y tế nếu lao động nước ngoài bị phát hiện mắc COVID-19. Ông Saravanan cũng yêu cầu chủ lao động cần chủ động hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong số lao động nước ngoài tại Malaysia, trong đó có việc cung cấp xét nghiệm sàng lọc COVID-19.