Thủ đô Hy Lạp tê liệt vì tổng bãi công

Thủ đô Aten của Hy Lạp ngày 28/6 đã bị tê liệt vì cuộc tổng bãi công và biểu tình kéo dài 2 ngày của các nghiệp đoàn lao động nhằm phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng chuẩn bị được Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu vòng đầu.

Người biểu tình Hy Lạp tiến về tòa nhà Quốc hội. Ảnh: AFP - TTXVN


Theo hãng tin AFP, hưởng ứng lời kêu gọi tổng bãi công của nghiệp đoàn ADEDY và GSEE, khoảng 10.000 người đã tập trung tại quảng trường Syntagma trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp. Biểu tình lúc đầu diễn ra khá yên ả nhưng sau trở nên bạo lực khi một nhóm gồm hàng trăm thanh niên ném đá vào các tòa nhà. Người biểu tình còn đốt một xe tải viễn thông đồng thời gây ra vài đám cháy trong khu vực quảng trường. Trước cảnh đó, cảnh sát Hy Lạp buộc phải sử dụng hơi cay.

Do biểu tình, các trường học, vận tải hành khách và nhiều dịch vụ khác buộc phải ngừng hoạt động. Hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ hoặc phải thay đổi lịch trình do các nhân viên điều khiển không lưu cũng tham gia bãi công.

Biểu tình diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Hy Lạp đang họp bàn về các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà quốc gia này buộc phải thông qua nếu muốn được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) giải ngân khoản tiền cứu trợ 12 tỷ USD tiếp theo. Các biện pháp thắt chặt ngân sách đã gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nghị sĩ Hy Lạp.

EU gây áp lực trước giờ bỏ phiếu

Chủ tịch EU Herman Van Rompuy ngày 28/6 đã tăng cường gây áp lực để Quốc hội Hy Lạp thông qua các biện pháp thắt chặt chi tiêu mới. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, ông Van Rompuy nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu ở Hy Lạp mang tính quyết định không chỉ với người dân Hy Lạp mà còn đối với cả khu vực sử dụng đồng tiền chung euro và sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Ông Van Rompuy thúc giục các nghị sĩ Hy Lạp có trách nhiệm và thông qua gói biện pháp.

Trước đó, Cao ủy kinh tế của EU, ông Olli Rehn, cho rằng Hy Lạp đang ở một ngã rẽ quan trọng và tương lai của cả Hy Lạp lẫn sự ổn định tài chính châu Âu đang bị đe dọa. Ông Rehn khẳng định, thông qua các biện pháp thắt chặt chi tiêu là “con đường duy nhất để tránh vỡ nợ ngay trước mắt”.

Trong bối cảnh phe đối lập từ chối thông qua kế hoạch, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã phải lên tiếng cầu khẩn Quốc hội ủng hộ kế hoạch cắt giảm chi tiêu 28 tỷ euro đến năm 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu của EU và IMF. Ông Papandreou khẳng định, các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới của chính phủ sẽ mang lại cho Hy Lạp một khởi đầu mới, hướng tới nền kinh tế tăng trưởng.

Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venigelos cũng kêu gọi các nghị sĩ không để cho các ngân hàng Hy Lạp "cháy túi" vào đầu tháng 7 tới, thời điểm Hy Lạp bắt đầu phải thanh toán những khoản nợ đáo hạn.

Dự đoán về cuộc bỏ phiếu trong hai ngày 29 và 30/6, Phó Thủ tướng Hy Lạp Theodore Pangalos cho rằng sẽ có nhiều nghị sĩ phản đối, song Quốc hội có thể ủng hộ gói biện pháp thắt lưng buộc bụng mới để giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

Phát biểu trên tờ El Mundo của Tây Ban Nha, ông Pangalos tin tưởng đảng PASOK cầm quyền của ông sẽ vượt qua bất đồng để gói biện pháp mới được thông qua trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Tuy nhiên, ông Pangalos không chắc chính phủ sẽ giành được sự ủng hộ của Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 30/6 đối với các biện pháp cụ thể cần thực hiện và những tài sản cụ thể cần cổ phần hóa.

Hạnh Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN