Một số khu vực ở Indonesia đã áp dụng các lệnh cấm tương tự, trong đó có Banjarmasin ở tỉnh Nam Kalimantan, Balikpapan ở tỉnh Đông Kalimantan, Denpasar ở tỉnh Bali, và Bogor - thành phố vệ tinh của Jakarta thuộc tỉnh Tây Java.
Trong một tuyên bố ngày 30/6, người đứng đầu Cơ quan Môi trường Jakarta, ông Andono Warih cho biết nhìn chung các tư thương ủng hộ chính sách này vốn giúp họ thực sự giảm chi phí mua túi ni-lông sử dụng một lần.
Theo ông Andono, lệnh cấm trên có vai trò quan trọng trong việc giảm chất thải nhựa tại bãi rác Bantar Gebang ở Bekasi thuộc tỉnh Tây Java - điểm tập kết rác thải của Jakarta - khi địa điểm này sẽ đạt công suất tối đa vào năm tới.
Ông Andono hy vọng chính sách này sẽ giúp nâng cao nhận thức và khiến mọi người sử dụng túi ni-lông một cách khôn ngoan hơn và thay thế chúng bằng các loại túi có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường hơn.
Trước đó, chính quyền Jakarta đã tuyên truyền, phổ biến chính sách này cho ban quản lý của 85 trung tâm mua sắm, hơn 2.000 cửa hàng tiện lợi và 158 chợ truyền thống trên toàn thành phố, cũng như đông đảo công chúng.
Lệnh cấm sử dụng túi ni-lông sử dụng một lần được ban hành trong Quy định thống đốc số 142/2019 có hiệu lực sáu tháng kể từ khi được ban hành vào ngày 31/12/2019. Theo kế hoạch ban đầu, lệnh cấm này được áp dụng vào năm 2018 song Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã trì hoãn do muốn bổ sung điều khoản về các vật liệu thay thế.
Quy định này là cơ sở pháp lý cho việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường tại các cửa hàng và khu chợ. Chế tài đối với các trường hợp vi phạm bao gồm nhiều mức, từ cảnh báo bằng văn bản đến phạt tiền, đình chỉ và rút phép kinh doanh. Tuy nhiên, quy định vẫn cho phép người bán hàng cung cấp túi ni-lông sử dụng một lần đối với các loại thực phẩm không đóng gói, cũng như trong các giao dịch mua bán trực tuyến và giao hàng thực phẩm.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Indonesia (Aprindo), ông Solihin cho biết từ vài tháng qua, một số nhà bán lẻ đã bắt đầu kiểm soát việc sử dụng túi ni-lông sử dụng một lần bằng cách ngừng cấp miễn phí.
Giám đốc điều hành Công ty quản lý chợ thuộc sở hữu của thành phố Pasar Jaya, ông Arief Nasrudin, cho biết công ty tiếp tục thông báo cho các thương nhân và người mua sắm ở các chợ truyền thống trên khắp Jakarta về lệnh cấm nhằm đảm bảo tuân thủ sau khi chính sách có hiệu lực.
Theo số liệu của Cơ quan Môi trường Jakarta, trung bình mỗi ngày bãi rác Bantar Gebang tiếp nhận 7.702 tấn rác thải của Jakarta vào năm ngoái, trong đó rác thải nhựa chiếm 34%.
Với các hoạt động kinh tế giảm sút do dịch COVID-19, lượng rác thải của Jakarta đã giảm mạnh trong những tháng vừa qua, chỉ còn 189.979 tấn vào tháng 5/2020, thấp hơn 37,8% so với mức 305.339 tấn trong tháng 1/2020.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Viện Khoa học Indonesia (LIPI) cho thấy chất thải nhựa phát sinh trong thời gian đại dịch gia tăng khi nhiều người dân chuyển sang mua hàng trực tuyến trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua.
Theo kết quả khảo sát, 62% và 47% số người được hỏi lần lượt cho biết mua sắm trực tuyến và sử dụng dịch vụ giao đồ ăn thường xuyên hơn. Cuộc khảo sát cũng cho thấy có tới 96% các mặt hàng này sử dụng bao bì ni-lông.