Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn báo cáo của bộ trên, cho hay số lượng người di chuyển từ các địa phương khác đến thủ đô Tokyo trong năm 2022 là .023 người, tăng gấp 7 lần so với năm 2021, trong đó số người chuyển đến tăng 19.620 và số người chuyển đi giảm 12.970. Riêng số lượng người di chuyển đến 23 quận trung tâm của thủ đô Tokyo là 21.420 người.
Ở phạm vi rộng hơn, Vùng thủ đô bao gồm Tokyo và các tỉnh lân cận là Kanagawa, Saitama, Chiba cũng ghi nhận mức người dân chuyển đến cao với 99.519 người, tăng 17.820 người so với năm 2021.
Theo các nhà phân tích, mặc dù Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy chính sách cân bằng dân cư giữa thành thị và nông thôn, nhưng dường như xu hướng tập trung dân cư ở khu đô thị lớn như Tokyo đang có dấu hiệu gia tăng trở lại do đa số giới trẻ Nhật Bản khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ở khu vực nông thôn. Vì vậy, sau khi các biện pháp hạn chế di chuyển được nới lỏng sau đại dịch, nhiều người đã quay trở lại các đô thị lớn, trong đó có Tokyo để tìm kiếm cơ hội có được việc làm phù hợp.
Trước đó, số liệu thống kê cho thấy số lượng người di chuyến đến thủ đô Tokyo từ các địa phương khác chỉ là 5.433 người vào năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên nhiều người lựa chọn phương án di chuyển đến các địa phương lân cận để giảm chi phí sinh hoạt nói chung, trong khi vẫn đảm bảo được công việc làm từ xa. Tuy nhiên, với sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản, Tokyo vẫn là nơi mang lại nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn hơn so với các vùng nông thôn và cũng là khu vực tập trung nhiều loại hình vui chơi giải trí mà giới trẻ ưa thích. Hơn nữa, việc nhiều doanh nghiệp Nhật Bản không còn cho phép làm việc tại nhà càng thúc đẩy nhanh hơn quá trình tập trung dân số ở thủ đô Tokyo.
Đáng chú ý, phụ nữ trẻ là trung tâm của dòng dịch chuyển dân cư đến Tokyo, kể cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Các chuyên gia nhận định điều này sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng tỷ lệ sinh giảm ở Nhật Bản do ngày càng ít phụ nữ không có ý định sinh con ở thành thị vì chi phí sinh đẻ và chăm sóc con cái đắt đỏ. Do đó, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng đã đến lúc Chính phủ Nhật Bản cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề tập trung dân cư quá cao ở khu đô thị lớn, coi đây như một vấn đề cần xử lý cấp bách để ngăn chặn tình trạng tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số.