Bangladesh đang đối mặt với đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Dữ liệu chính thức cho thấy, trong hơn 10 tháng đầu năm nay (đến ngày 12/11), nước này ghi nhận gần 292.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và gần 1.500 ca tử vong. Số ca không qua khỏi từ đầu năm đến nay cao gấp 5 lần so với năm 2022 (281 ca) và là mức cao nhất kể từ khi các dữ liệu bắt đầu được thu thập năm 2000.
Ông Kabirul Bashar, nhà côn trùng học và giáo sư động vật học tại Đại học Jahangirnagar, cho biết đây là năm đầu tiên dịch sốt xuất huyết ghi nhận ở tất cả các địa phương trong cả nước với khoảng 170 triệu dân. Theo ông, nhiệt độ, lượng mưa và các yếu tố khác đang thay đổi hình thái do biến đổi khí hậu, tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết. Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, chuyên gia này nhấn mạnh sự cần thiết phải giám sát nguy cơ gây sốt xuất huyết tại cộng đồng hằng năm.
Dịch sốt xuất huyết thường bùng phát ở các nước Nam Á vào mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, thời điểm muỗi Aedes aegypti phát triển mạnh. Bệnh sốt xuất huyết có thể gây sốt cao, đau đầu, nôn, đau cơ và trong trường hợp nguy hiểm nhất gây chảy máu ồ ạt và có thể dẫn đến tử vong. Hiện chưa có thuốc kháng virus hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với căn bệnh này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sốt xuất huyết và các bệnh khác do virus lây truyền qua muỗi như sốt chikungunya, sốt vàng da và Zika đang lây lan nhanh và nhiều hơn do tình trạng biến đổi khí hậu.