Thủ tướng Shinzo Abe cam kết thúc đẩy vai trò an ninh của Nhật Bản, khẳng định quốc gia theo đường lối hòa bình này sẽ không còn là “một mắt xích yếu kém” trên thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước khi tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), ông Abe ngầm bày tỏ hy vọng Tokyo sẽ đi theo hướng “phòng vệ tập thể” - điều cho phép Nhật hỗ trợ đồng minh Mỹ.
Phát biểu tại Viện Hudson (Washington) hôm 25/9 trước khi hiện diện tại trụ sở LHQ, Thủ tướng Nhật Bản nói, “Nhật Bản không nên là một mắt xích yếu kém trong các khung an ninh toàn cầu và khu vực - nơi mà Mỹ đóng vai trò lãnh đạo”. Ông nhấn mạnh, “Nhật Bản là một trong những nền dân chủ lâu đời nhất thế giới. Vì thế, chúng tôi phải là người tham gia quan trọng đối với điều khoản của an ninh và thịnh vượng. Nhật Bản sẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định tại khu vực và trên thế giới một cách chủ động hơn trước đây”.
Theo các điều khoản của Hiến pháp sau Chiến tranh thế giới thứ 2, quân đội Nhật Bản bị cấm phát động chiến tranh và theo cách hiểu cho đến hiện nay, Tokyo không được sử dụng vũ lực ngoại trừ giới hạn nhỏ nhất là phòng vệ.
Theo đúng viễn cảnh mà ông Abe từng trích dẫn, đứng trước một vụ phóng tên lửa tiềm tàng của Triều Tiên, Nhật Bản sẽ không thể trợ giúp tàu chiến Mỹ tại vùng biển của mình nếu như các tàu này, chứ không phải Nhật Bản, bị tấn công.
Là một người theo đường lối bảo thủ, có vị thế chính trị mạnh hơn bất kì thủ tướng Nhật Bản nào trong một thập kỉ qua, ông Abe đã từ lâu hô hào về việc cần có một vai trò an ninh tích cực hơn.
Thế nhưng, bất kì một động thái nào đưa Nhật Bản thoát khỏi chủ nghĩa hòa bình đều làm cho đối tác liên minh cảm thấy khó chịu, khiến các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc - những nước thường cáo buộc Tokyo không có thái độ hối lỗi đúng mức đối với chủ nghĩa quân phiệt trong thế kỉ 20, tức giận.
Ông Abe bảo vệ quan điểm của mình bằng lối nói bóng bẩy, châm biếm, khi cho rằng chi tiêu quân sự của Bắc Kinh tăng 10%/năm, trong khi “mức tăng ngân sách quốc phòng của chính phủ chúng tôi chỉ là 0,8%/năm. Vì vậy, nếu bạn thích, thì cứ hãy gọi tôi là người theo chủ nghĩa quân phiệt cánh hữu”.