Đây là cuộc hội thoại đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi quan hệ giữa hai nước bùng phát căng thẳng hồi tháng 2 vừa qua.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Pakistan, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Khan đã bày tỏ "mong muốn hai nước phối hợp với nhau mang lại những điều tốt đẹp hơn cho người dân hai nước". Nhấn mạnh nguyện vọng hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng tại khu vực Nam Á, Thủ tướng Khan nêu rõ ông mong muốn phối hợp với ông Modi thúc đẩy những mục tiêu này.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng xác nhận Thủ tướng Pakistan đã gọi điện chúc mừng Thủ tướng Modi và hai bên đã thảo luận với nhau về vấn đề chống đói nghèo.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh rằng "việc tạo dựng sự tin cậy và một môi trường không bạo lực là thiết yếu để thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng trong khu vực của chúng ta".
Ngày 24/5 vừa qua, Ủy ban Bầu cử Ấn Độ đã công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Hạ viện khóa 17 ở nước này, với chiến thắng thuộc về đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi. Ngày 25/5, các nghị sỹ mới trúng cử của Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) cầm quyền đã chọn ông Modi làm người lãnh đạo của liên minh, mở đường cho ông tiếp tục giữ chức thủ tướng Ấn Độ nhiệm kỳ 2.Tối 25/5, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã chỉ định ông Modi giữ chức thủ tướng sau khi nhận được thư ủng hộ từ NDA.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan bùng phát sau một vụ tấn công xảy ra ngày 14/2 nhằm vào một đoàn xe quân sự ở bang Jammu & Kashmir, thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, làm 44 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng chính phủ Ấn Độ. Nhóm Hồi giáo Jaish-e-Mohammad (JeM) có trụ sở tại Pakistan tuyên bố một phần tử đánh bom liều chết thuộc nhóm này đã thực hiện vụ tấn công.
New Delhi cáo buộc Islamabad dính líu vụ tấn công này, trong khi Islamabad lên án vụ tấn công, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc liên quan vụ việc. Căng thẳng gia tăng với các vụ không kích đáp trả lẫn nhau qua biên giới ở Kashmir - vùng lãnh thổ có đa số dân là người Hồi giáo sinh sống và phân chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song cả hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ khu vực này.