Trước đó, Liên minh Ấn Độ (INDIA) gồm 26 đảng đối lập mới được thành lập đã kiến nghị tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại Thủ tướng Modi liên quan tới việc ông đã “im lặng” trong 3 tháng khi xảy ra tình trạng bạo lực tại bang Đông Bắc Manipur, giáp giới với Myanmar.
Phát biểu trong ngày thứ 3 và cũng là ngày cuối cùng của cuộc tranh luận về kiến nghị bất tín nhiệm nói trên tại Hạ viện, Thủ tướng Modi đã đưa ra lời đảm bảo sớm tái lập hòa bình cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, ở bang Manipur, nơi 3tháng bạo lực sắc tộc vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 150 người.
Sau bài phát biểu được tường thuật trên truyền hình nói trên, Thủ tướng Modi đã vượt qua cuộc biểu quyết bất tín nhiệm được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Om Birla.
Đáng chú ý, Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) cầm quyền do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Modi lãnh đạo, chiếm đa số trong hạ viện với 331 nghị sĩ, trong đó BJP có 303 nghị sĩ, trong khi Liên minh Ấn Độ đối lập chỉ có tổng số 144 nghị sĩ. Số nghị sĩ của các đảng không liên kết là 70 ở Hạ viện.
Phe đối lập từng thừa nhận hầu như không có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc biểu quyết bất tín nhiệm nhưng tuyên bố, bằng động thái này, buộc Thủ tướng Modi sẽ phải xuất hiện trước Hạ viện để trả lời chất vấn cách thức chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng tại Manipur.
Bang Manipur đã chứng kiến các cuộc đụng độ giữa cộng đồng Meitei đa số và cộng đồng Kuki thiểu số kể từ ngày 3/5 về các chính sách như lợi ích kinh tế, hạn ngạch việc làm và quyền đất đai.
Đây là lần thứ hai ông Modi phải đối mặt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trên cương vị Thủ tướng. Kiến nghị đầu tiên đã được đưa ra vào năm 2018 liên quan đến việc cấp quy chế hạng mục đặc biệt cho Andhra Pradesh. Thủ tướng Modi đều thành công vượt qua cả 2 thử thách này.