Lần đầu tiên phát biểu trước các nghị sĩ hạ viện ngày 25/7 trên cương vị mới, tân Thủ tướng Boris Johnson đã mạnh mẽ tuyên bố nước Anh hoàn toàn có thể xứng danh "nền kinh tế vĩ đại và phồn vinh nhất châu Âu" và đưa ra những thứ tự ưu tiên của chính phủ trong thời gian tới. Ông cam kết sẽ thúc đẩy tăng hiệu quả lao động cũng như thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Đầu tư lớn vào hạ tầng cơ sở, tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế, và an ninh để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, sẽ làm hết sức mình để đoàn kết đất nước, nhưng vấn đề được cho là nóng nhất tại hạ viện là việc ông Johnson sẽ làm thế nào để đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong 98 ngày nữa (tính từ thời điểm ngày 25/7) như ông cam kết.
Vấn đề Brexit được coi là thử thách đầu tiên, chứng minh khả năng "nói có đi đôi với làm" hay không của Thủ tướng Johnson, người vốn bị cho là không nhất quán và bốc đồng. Ông Johnson đã đưa ra lời hứa "tiếp cận mới" đối với vấn đề Brexit và tin rằng cuộc cải tổ nội các sâu rộng của ông đã đem tới những người đủ "tâm, tài, trí" thực hiện Brexit, đưa nước Anh "vĩ đại trở lại".
Trong lịch sử chính trị hiện đại của nước Anh, khi việc thay đổi người lãnh đạo của một đảng dẫn đến thay đổi thủ tướng và nội các, cách thay đổi nội các của ông Johnson được cho là "nặng tay nhất" khi ông thay tới 18 vị trí bộ trưởng trong tổng số 31 thành viên. Những vị trí bộ trưởng quan trọng nhất đều là những người ủng hộ Brexit cho dù có thỏa thuận hay không có thỏa thuận. Không chỉ đẩy những người thuộc phe "Ở lại" (Remainer) trong nội các của cựu Thủ tướng Theresa May ra đi, mà cả những người chủ trương Brexit như Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liam Fox hay Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt đều phải rời văn phòng.
Thủ tướng Johnson đã gửi đi thông điệp: nội các cũ đã làm việc thất bại và ông chọn những gương mặt mà ông cho rằng có thể hoàn thành được sứ mệnh ông đặt ra. Tuy nhiên, cũng có cách nhìn khác trong đảng Bảo thủ về cách lựa chọn này của ông Johnson: nội các của tân thủ tướng đã phản ánh thực tế là những người thuộc phe cực hữu đang nắm giữ quyền điều hành trong đảng Bảo thủ và trong chính phủ.
Vì đảng lãnh đạo đất nước vẫn là đảng Bảo thủ, việc ông Boris Johnson tuyên bố bỏ thỏa thuận với EU mà người tiền nhiệm Theresa May đã dày công bàn thảo trong 3 năm qua, cho thấy sự bất đồng sâu sắc trong đảng cầm quyền. Ông Johnson muốn thay bằng một thỏa thuận mới với EU mà ông sẽ đàm phán lại, bày tỏ niềm tin mạnh mẽ là mình đủ khả năng thuyết phục được các lãnh đạo EU đồng ý một thỏa thuận "tốt hơn cho nước Anh" trong cuộc chạy đua thời gian vô cùng gấp rút chỉ có 98 ngày. Mặc dù ông Johnson tỏ ra rất tin tưởng ở sự đoàn kết thống nhất trong nội các mới, nhưng ngay buổi họp nội các đầu tiên, đã xuất hiện sự khác biết giữa những người tin "thỏa thuận mới" của ông Johnson là điều có thể thực hiện được và những người không muốn làm như vậy, mà muốn tập trung vào đồng ý với một Brexit không thỏa thuận nhưng kiểm soát được.
Quan điểm của Thủ tướng Johnson là nước Anh chắc chắn sẽ rời EU vào ngày 31/10 trong bất cứ hoàn cảnh nào. Một mặt ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị tình huống Brexit không thỏa thuận, nhưng mặt khác cho biết ông muốn một Brexit có thỏa thuận và ông sẽ làm hết sức mình để đạt được. Ông Johnson cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận kế hoạch "chốt chặn" nhằm tránh đường biên giới cứng trên đảo Ireland vì cho rằng điều này làm nước Anh bị lệ thuộc vào chính sách kinh tế của EU. Ông muốn dùng kế hoạch "các sắp xếp khác" để thay thế mà ông đánh giá là "tương đồng hoàn hảo" với nội dung của Thỏa thuận thứ Sáu Tốt lành - hiệp định hòa bình ký năm 1994.
Cho đến nay, những thông điệp mà Thủ tướng Johnson đưa ra khiến báo chí tập trung vào các khả năng mà ông Johnson sẽ đối mặt: vấn đề Brexit không thỏa thuận, tổng tuyển cử sớm và hiệp ước với đảng Brexit.
Đối với vấn đề Brexit, sẽ có một số kịch bản. Đầu tiên là Anh sẽ rời EU có thỏa thuận. Khi đó ông Johnson thuyết phục được EU chấp nhận sửa thêm đôi chút so với thỏa thuận của bà May đã đạt được với EU trước đây - chẳng hạn như kéo dài thêm thời kỳ chuyển đổi, và điều này sẽ "giải độc" được vấn đề đường biên giới Ireland, hay là bằng cách nào đấy có thời hạn đối với kế hoạch "chốt chặn". Đây là kịch bản đẹp nhất cho nước Anh, EU, cho chính phủ của ông Johnson và đảng Bảo thủ.
Khả năng thứ hai là nếu như ông Johnson không thuyết phục được các nhà lãnh đạo EU, thì nước Anh sẽ đi theo hướng Brexit không thỏa thuận. Trong trường hợp này, Thủ tướng Johnson có thể sẽ đi vận động khắp đất nước về Brexit không thỏa thuận và như vậy sẽ đẩy các phe còn lại xích gần với nhau hơn để chống lại ông. Nguy hiểm ở đây là chiến dịch bầu cử ủng hộ cho Brexit không thỏa thuận sẽ khiến không chỉ các đảng đối lập mà cả những người thuộc phe ủng hộ gần gũi châu Âu và thậm chí những người bảo thủ ủng hộ việc rời EU một cách mềm dẻo, cũng sẽ đoàn kết lại để chống ông. Những gì thủ tướng mới phát biểu về Brexit khiến nhiều người trong giới phân tích chính trị Anh cho rằng "ván bài" đánh cược Brexit của ông Johnson có thể đặt nước Anh vào tình thế rủi ro, hậu quả khôn lường, mất mát cả về phương diện kinh tế lẫn chính trị.
Hãng Sky Data công bố kết quả ý kiến thăm dò cảm xúc của người dân Anh về tương lai của nước Anh sau khi có thủ tướng mới, cho thấy 27% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy lạc quan tích cực, trong khi 41% trả lời họ cảm thấy bi quan và 24% trả lời họ không thấy cảm xúc gì.
Tính từ thời điểm 25/7, chỉ còn có 98 ngày để thực thi Brexit trước "giờ G" 31/10 tới, Thủ tướng Boris Johnson đang trong một "canh bạc" lớn. Nếu đưa nước Anh rời EU có thỏa thuận như ông mong muốn, thì vị cựu ngoại trưởng sẽ chứng minh được tài năng của mình, lựa chọn đưa ông lên làm thủ tướng là một quyết định đúng đắn và may mắn cho nước Anh trong thời khắc lịch sử quan trọng này. Còn nếu như tân thủ tướng đưa nước Anh ra khỏi EU không thỏa thuận trong hỗn loạn thì "triều đại" của ông Johnson có thể sẽ là ngắn chưa từng có trong lịch sử chính trị hiện đại của nước Anh.