Ngày 17/1, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng May đã lần đầu tiên khẳng định Anh sẽ rời khỏi thị trường chung châu Âu để hạn chế dòng người di cư vào nước này từ châu Âu, đồng thời công bố lộ trình 12 điểm cho việc Anh tách khỏi 27 quốc gia thành viên EU. Bà bày tỏ mong muốn sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU, trong đó cho phép Anh tự do tiếp cận các thị trường châu Âu và loại bỏ tối đa các rào cản thương mại, nhấn mạnh "thà không ký một thỏa thuận nào còn tốt hơn ký một thỏa thuận tồi".
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: EPA/TTXVN |
Theo bà, điều này không đồng nghĩa Anh muốn tìm kiếm một cơ chế thành viên hợp tác hay thành viên một phần của EU, và thay vào đó Anh có thể trở thành một đối tác mới và bình đẳng với khối liên minh này. Nữ chính khách này cũng khẳng định việc chấm dứt bất kỳ thỏa thuận nào với các thành viên còn lại của EU cũng cần phải được 2 viện thuộc Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua, đồng thời cảnh báo các quốc gia thành viên EU không được thúc đẩy một thỏa thuận trừng phạt về việc Brexit, cho rằng đó sẽ là "hành động tự hại mình".
Giới quan sát nhận định tuyên bố trên của Thủ tướng Anh cho thấy quan điểm của London không muốn tìm kiếm một thỏa thuận kiểu "chân trong chân ngoài" với EU một khi đã rời đi. Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng May, trong phiên giao dịch cùng ngày, giá đồng bảng Anh đã nhích lên được 1,2340 USD/1 bảng từ mức 1,2055/1 bảng hôm 16/1.
Theo dự kiến, chính phủ của Thủ tướng May sẽ chính thức "kích hoạt" điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 tới để bắt đầu tiến trình đàm phán rời EU. Các cuộc đàm phán này có thể kéo dài khoảng 2 năm. Hiện Chính phủ Anh đang thảo luận chi tiết với EU về kế hoạch đàm phán.