Trong bức thư gửi người dân Anh được đăng tải trên truyền thông nước này, Thủ tướng Theresa May khẳng định: "Đây sẽ là một thỏa thuận vì lợi ích của nước Anh, mang lại hiệu quả cho cả đất nước và toàn bộ người dân Anh dù bạn đã bỏ phiếu 'rời' hoặc "ở lại" EU. Đây cũng là một thỏa thuận cho một tương lai tương sáng hơn, giúp chúng ta nắm bắt các cơ hội ở phía trước". Thủ tướng May đã kêu gọi người dân Anh ủng hộ thỏa thuận này trong bối cảnh Anh dự kiến sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019.
Nhà lãnh đạo Anh cho biết Quốc hội sẽ có cơ hội làm điều này trong vài tuần tới khi bỏ phiếu về thỏa thuận. Bà cam kết sẽ vận động bằng cả "con tim và khối óc" để thỏa thuận Brexit này được Quốc hội Anh thông qua.
Theo kế hoạch, Thủ tướng May sẽ có các cuộc gặp với các quan chức hàng đầu của EU, trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 25/11. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ thảo luận để thông qua hai văn kiện Brexit chính, gồm một tuyên bố chính trị liên quan đến việc định hình mối quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit và một bản thỏa thuận rút khỏi EU dài 585 trang.
Thỏa thuận rút khỏi EU là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó đưa ra những điều khoản về việc Anh rời EU, bao gồm vấn đề hóa đơn ly hôn trị giá 39 tỷ bảng, quyền công dân và bản kế hoạch dự phòng liên quan đến biên giới Ireland trong trường hợp các cuộc đàm phán thương mại bế tắc.
Theo kế hoạch, sẽ không có cuộc bỏ phiếu chính thức, song EU dự định sẽ xúc tiến việc này sau khi đạt được sự nhất trí của các thành viên về việc thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit.
Bên cạnh đó, cho dù có được thông qua tại EU, thì thỏa thuận Brexit này vẫn cần vượt qua cửa ải hứa hẹn nhiều chông gai tại Quốc hội Anh khi thỏa thuận này đang vấp phải không ít ý kiến phản đối của cả các nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền lẫn các đảng đối lập.