Thủ tướng Anh cũng cảnh báo số ca có thể sẽ tăng thêm một lần nữa khi các biện pháp được nới lỏng, do đó chính phủ sẽ không thay đổi lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế.
Anh đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà ngay từ tháng 12/2020 và đến nay toàn bộ người trên 50 tuổi, các nhân viên y tế và người dễ bị tổn thương đã được tiêm ít nhất 1 mũi.
Anh chỉ đứng sau Israel về tỷ lệ tiêm phòng trên tổng dân số. Việc tiêm phòng diễn ra 1 tháng trước khi thực thi lệnh phong tỏa thứ ba từ đầu tháng 1/2021 nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới của virus. Từ tháng 2, số ca nhiễm mới, số ca nhập viện và tử vong hằng ngày đều đã giảm đáng kể.
Thủ tướng Johnson khẳng định: "Vai trò chính trong việc giảm tình hình dịch bệnh là nhờ lệnh phong tỏa, vì vậy, không có lý do gì để thay đổi lộ trình mở lại nền kinh tế. Khi chúng ta nới lỏng các biện pháp hạn chế, hậu quả khó tránh khỏi là số ca nhiễm tăng lên và sẽ có nhiều ca nhập viện và tử vong hơn".
* Tại Nhật Bản, chính phủ có kế hoạch áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn tại tỉnh Aichi, nơi số ca nhiễm tăng trở lại. Ba tỉnh lân cận gồm Tokyo - Kanagawa, Chiba và Saitama cũng đang được cân nhắc áp dụng tình trạng bán khẩn cấp, theo đó có thể sẽ yêu cầu các nhà hàng và quán rượu đóng cửa sớm hơn.
* Tại Israel, nội các nước này đã quyết định mở cửa hoàn toàn hệ thống giáo dục từ ngày 18/4 tới. Theo kế hoạch, toàn bộ giáo viên và học sinh sẽ được theo dõi, nếu một người có xét nghiệm dương tính tại trường học, toàn bộ các giáo viên và học sinh sẽ được xét nghiệm trước khi cho phép trở lại trường học.
Với tỷ lệ hơn 52% trong tổng cộng 9 triệu dân đã được tiêm vaccine, Israel đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, vì vaccine không được tiêm cho trẻ em dưới 16 tuổi nên hệ thống giáo dục được mở cửa trở lại muộn hơn các lĩnh vực khác.