Theo kế hoạch, Thủ tướng Johnson sẽ trình bày Dự luật về rút khỏi EU tại Hạ viện Anh ngày 18/12 tới, khẳng định hoàn tất Brexit vào ngày 31/1/2020 như đã định. Với thế đa số trong Quốc hội, Thủ tướng Johnson có thể dùng quyền kiểm soát này để bác bỏ mọi đề xuất kéo dài giai đoạn chuyển tiếp Brexit đến sau năm 2020. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Anh ngày 17/12 khẳng định London sẽ không kéo dài thời gian thực thi Brexit và Dự luật về rút khỏi EU sẽ cấm chính phủ chấp thuận gia hạn.
Sau khi rời EU vào ngày 31/1/2020, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp, theo đó nước này chỉ còn là thành viên EU trên danh nghĩa và hai bên sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận về mối quan hệ hậu Brexit. Một thỏa thuận thương mại toàn diện sẽ bao gồm dịch vụ tài chính, các quy định về một loạt vấn đề từ nguồn gốc xuất xứ đến thuế quan, các quy định về trợ cấp của nhà nước và ngư nghiệp. Tuy nhiên, phạm vi và ưu tiên của bất kỳ thỏa thuận tương lai nào vẫn cần có sự thảo luận. Với cam kết không kéo đài thời gian chuyển tiếp, Thủ tướng Johnson đã giảm thời gian đàm phán thỏa thuận thương mại với EU từ 3 năm xuống còn 10-11 tháng. Đây được xem là thông điệp mà Thủ tướng Johnson muốn gửi tới các lãnh đạo EU đã cảnh báo London rằng sẽ cần thêm thời gian để đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đã giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Anh ngày 12/12 vừa qua, giành được 365 ghế, vượt đa số quá bán 326 ghế, theo đó đảm bảo thế đa số tuyệt đối tại Hạ viện để tự đứng ra thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với các chính đảng khác. Chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ sẽ dọn đường cho tiến trình Brexit đúng thời hạn vào ngày 31/1/2020 sau nhiều năm bế tắc chính trị. Sau Brexit, ông Johnson đặt mục tiêu tới cuối năm 2020 sẽ thiết lập quan hệ thương mại tương lai bền vững với EU.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 13/12 vừa qua, lãnh đạo 27 nước thành viên đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán thương mại với Anh sau khi thỏa thuận Brexit được phê chuẩn và thực thi. Theo một quan chức Pháp, trong các cuộc đàm phán thương mại với Anh tới đây, EU sẽ đặc biệt chú trọng "các điều khoản sân chơi bình đẳng" để đảm bảo cạnh tranh công bằng.