Bà muốn nhận được sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ Đảng Bảo thủ nhưng thất bại. Điều đó sẽ không giúp ích gì cho bà trong nhiệm vụ cấp bách nhất – giành được sự ủng hộ của Hạ viện trong thỏa thuận Brexit.
Sau một ngày mệt mỏi và thấp thỏm lo lắng về kết quả cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, trong hai ngày tới, nhiệm vụ của Thủ tướng May sẽ là tiếp tục tìm kiếm sự nhượng bộ từ 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Brussels.
Thủ tướng May tuyên bố bà được trao quyền ủy nhiệm để hoàn thành tiến trình Brexit. Nhưng kết quả cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ ảnh hưởng đến tiến trình Brexit như thế nào?
Theo tờ Independent, Thủ tướng May sẽ tiếp tục thỏa thuận của mình, với hy vọng giành được sự “bảo đảm” của EU rằng giải pháp “lưới an ninh” ngăn cản hình thành một biên giới “cứng” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland của Anh sẽ chỉ là tạm thời. Bà đã cam kết với Hạ viện sẽ tổ chức bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit trước ngày 21/1.
Khi nghe thông tin về việc hoãn bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit hôm thứ Ba (11/12) vừa qua, chính phủ các nước EU cũng như tại trụ sở tại Brussels gần như rất thất vọng. Họ đã chuẩn bị cho trường hợp bà thua và sẵn sàng đề nghị “những lời giải thích rõ ràng” để giúp bà ấy chiến thắng. Một nguồn tin EU chia sẻ: “Sự kiên nhẫn của chúng tôi đang mất dần đi. Việc Vương quốc Anh thay đổi vị thế của mình là quá đủ sức chịu đựng của mọi người rồi”.
Các quan chức Brussels lo ngại sự trì hoãn ở London sẽ làm tăng nguy cơ một “cuộc ly hôn không có thỏa thuận gì hết” vào tháng 3 năm sau.
Họ lo ngại nhóm nghị sĩ Đảng Bảo thủ theo chủ trương Eurosceptics (hoài nghị châu Âu) sẽ yêu cầu nhiều hơn. “Chúng tôi muốn một sự đảm bảo rằng bất cứ điều gì chúng tôi làm sẽ nhận được sự ủng hộ từ Hạ viện Anh”, một nhà ngoại giao của EU cho biết.
Thủ tướng May khẳng định bà đã nhận được một vài tín hiệu tích cực trong tuần này song không nói rõ đó là những tín hiệu gì, nhấn mạnh thêm mọi thứ cần phải được thảo luận rõ ràng.
Hiện EU biết bà vẫn sẽ ngồi vững tại Văn phòng số 10 Downing Street, nên sẽ hành động. EU không hề muốn Anh rời bỏ mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhưng Brussels cũng không thể cam kết giải pháp “lưới an ninh” sẽ không kéo dài hơn một năm. EU sẽ tiếp tục chống lại cơ chế đơn phương rút lui và giới hạn thời gian mà nhiều nghị sĩ Đảng Bảo thủ mong muốn.
Đề nghị khả quan nhất mà EU có thể đưa ra là một tuyên bố của Hội đồng châu Âu, với 27 nhà lãnh đạo quốc gia. Tuyên bố này không phải thay đổi thỏa thuận rời bỏ mà sẽ giải thích rõ hơn những quy định. Phương pháp này trước đây đã được Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sử dụng để vượt qua một cuộc bỏ phiếu “không” trong cuộc trưng cầu dân ý phản đối một thỏa thuận an ninh và thương mại giữa EU và Ukraine. Điều quan trọng, ông đã cho các nhà lãnh đạo EU thấy một sự đảm bảo rằng các cam kết của họ sẽ có hiệu quả.
Cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề liên kết với Ukraine diễn ra tại Hà Lan tháng 4/2016 với kết quả 61% cử tri bỏ phiếu phản đối. Tuy nhiên, Chính phủ Hà Lan không thông qua quyết định từ bỏ việc phê chuẩn. Thay vào đó, Thủ tướng Mark Rutte tiến hành các cuộc đàm phán tại Brussels (Bỉ), sau đó hội nghị thượng đỉnh EU thông qua tuyên bố nêu rõ Thỏa thuận về liên kết không phải bước đầu tiên trên con đường Ukraine gia nhập EU, không đưa ra đảm bảo an ninh, không hỗ trợ tài chính bổ sung cho Kiev và không trao quyền cho người Ukraine cư trú và làm việc tại EU.
Giành được “sự đảm bảo” của EU có thể khiến một số nghị sĩ Tory “nguôi ngoai” trong một vài tháng tới song để đạt được một nhượng bộ “thay đổi cuộc chơi” thì lại khó có thể xảy ra. Điều đó đồng nghĩa với việc Thủ tướng May vẫn có thể phải chịu một thất bại nặng nề, chịu sức ép từ nội các thông qua kế hoạch B.
Cũng theo tờ Independent, việc Thủ tướng May sống sót qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể làm giảm nguy cơ về sự ra đi mà không đạt thỏa thuận. Mặc dù bà khẳng định Vương quốc Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3, nhưng vẫn có thể gia hạn tiến trình Điều 50 thêm một vài tháng để tránh viễn cảnh một Brexit không có thỏa thuận.