Thủ tướng May cho biết các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn then chốt, và Anh cần nỗ lực hợp tác với các đối tác châu Âu để mang lại một cái kết cho vấn đề Brexit.
Theo bà May, dự thảo tuyên bố về tương lai quan hệ song phương Anh - EU hậu Brexit có đề cập rõ ràng về sự phát triển của chính sách thương mại độc lập dành cho Vương quốc Anh. Bà nhấn mạnh đây là một thỏa thuận tốt đối với Anh, giúp tạo ra một khu vực thương mại tự do với EU không giống với bất kỳ thỏa thuận nào khác.
Nữ Thủ tướng Anh cũng cho biết thỏa thuận khung này sẽ cho phép Anh đàm phán các thỏa thuận thương mại trong quá trình chuyển tiếp.
Về hoạt động đánh bắt cá, Thủ tướng May khẳng định Anh sẽ là một quốc gia duyên hải độc lập và các ngư dân nước này sẽ có quyền đánh bắt cá tại các vùng lãnh hải của nước này.
Bà cũng cho biết văn bản trên cũng một lần nữa khẳng định không cần một kế hoạch dự phòng nào, cũng như bao gồm các đề xuất cụ thể về cách thức công nghệ có thể được áp dụng để tránh việc tạo dựng một được biên giới cứng tại vùng biên giới giữa CH Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.
Trước đó cùng ngày, phát biểu trước báo giới sau khi thông báo cho Nội các toàn văn tuyên bố về mối quan hệ hậu Brexit, Thủ tướng May đã ca ngợi dự thảo thỏa thuận về tương lai quan hệ song phương sau khi Anh rời EU, là "một thỏa thuận đúng đắn" cho Anh, đồng thời khẳng định quyết tâm thực thi văn kiện này.
Bà May khẳng định: "Người Anh mong muốn điều này sẽ được giải quyết. Họ muốn một thỏa thuận tốt giúp đảm bảo triển vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Thỏa thuận này đang trong tầm tay chúng ta và tôi chắc chắn sẽ thực hiện".
Dự kiến nội dung tuyên bố này cùng với bản dự thảo thỏa thuận Brexit đạt được hồi tuần trước sẽ được xem xét tại một hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 25/11 tới. Cả hai thỏa thuận sơ bộ trên đòi hỏi sự phê chuẩn của Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha đã đe dọa bỏ phiếu chống do bất đồng về vấn đề quy chế tương lai của Gibraltar - vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Tây Ban Nha nhiều lần yêu cầu Anh trả lại vùng đất mà nước này đã từ bỏ vào năm 1713 theo Hiệp ước Utrecht. Madrid đã đe dọa bác bỏ thỏa thuận Brexit - nếu văn kiện này không đảm bảo quyền phủ quyết của Madrid đối với vùng lãnh thổ này.