Trong bài phát biểu mừng Năm mới, Thủ tướng May nhấn mạnh Năm mới là khoảng thời gian để nhìn về phía trước và trong năm 2019, nước Anh sẽ bắt đầu "một chương mới". Theo Thủ tướng Anh, thỏa thuận mà bà đang đàm phán mang theo thông điệp của người dân Anh và trong những tuần tới, các nhà lập pháp sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng. Bà nêu rõ nếu nhận được sự ủng hộ của quốc hội, nước Anh có thể chuyển mình.
Thủ tướng May nhận định cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 đã thể hiện sự chia rẽ, song tất cả đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho nước Anh. Bà cho rằng trong năm 2019, nước Anh có thể gạt đi sự bất đồng và cùng nhau hướng tới một mối quan hệ mạnh mẽ mới với những người láng giềng châu Âu, cũng như tiến ra thế giới với tư cách là một quốc gia giao thương toàn cầu.
Bà May nêu rõ sau khi Anh rời khỏi EU, chính phủ có thể tập trung năng lượng vào việc thúc đẩy nền kinh tế, mở ra thị trường mới, áp dụng hệ thống nhập cư dựa trên kỹ năng thay cho dòng người di cư từ EU như hiện nay. Bà bày tỏ tin tưởng rằng nước Anh có thể bắt đầu chương mới với tinh thần lạc quan và hy vọng.
Hiện đa số các nhà lập pháp Anh đều không ủng hộ thỏa thuận Thủ tướng May đạt được với EU. Dự kiến quốc hội sẽ tiến hành phiên tranh luận vào ngày 9/1 tới trước khi tiến hành bỏ phiếu vào tuần tiếp theo.
Người phát ngôn của bà May cho biết các cuộc thảo luận giữa London và Brussels đã tiếp tục và Thủ tướng Anh đang nỗ lực giành lấy sự bảo đảm về chính trị và pháp lý. Theo quan chức này, bà May đã liên hệ với các nhà lãnh đạo châu Âu và sẽ tiếp tục cho đến khi thỏa thuận được bỏ phiếu tại Hạ viện Anh. Mối quan tâm lớn nhất của bà hiện nay là nhận được sự đảm bảo rằng các nghị sĩ muốn cuộc bỏ phiếu diễn ra.
Vương quốc Anh sẽ chính thức rời "mái nhà chung" EU vào ngày 29/3/2019, nhưng các nghị sĩ nước này vẫn chia rẽ sâu sắc về những điều khoản thỏa thuận mà Thủ tướng May và EU nhất trí hồi tháng trước. Điều khoản "rào chắn" là kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland, giúp duy trì biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland sau Brexit. Dù điều khoản này đã góp phần quan trọng giúp Anh và EU khơi thông thế bế tắc trong đàm phán và đi đến thỏa thuận, nhưng đây lại là vấn đề đối nội lớn nhất mà bà May vấp phải khi mang thỏa thuận "về nhà".
Cuộc bỏ phiếu sắp tới tại Hạ viện Anh là trở ngại cuối cùng, cửa ải hiểm trở nhất mà Thủ tướng May phải vượt qua trong lộ trình Brexit. Hiện có hai lựa chọn đối với các nghị sĩ: thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ, hoặc chính phủ sẽ quyết định theo phương án rời EU đúng ngày đã định mà không đạt thỏa thuận. Kịch bản xấu nhất là "Brexit cứng" này, tức "cắt đứt đột ngột" không thời kỳ chuyển tiếp, sẽ để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và thương mại với quốc gia này và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới EU.