Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP) tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, các quốc gia giàu có đã cam kết viện trợ các nước thu nhập thấp 100 tỷ USD/năm, bắt đầu từ năm 2020, để hỗ trợ các nước này chống lại những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng hơn như lũ lụt, sóng nhiệt, nước biển dâng hay siêu bão...
Mặc dù vậy, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá tiến độ thực hiện cam kết này là "đáng thất vọng", khi các nước đang phát triển mới chỉ nhận được 79,6 tỷ USD vào năm 2019.
Ngày 19/9, phát biểu với báo giới trước khi tới New York (Mỹ) để tham dự cuộc họp Đại hội đồng LHQ (UNGA), Thủ tướng Johnson đánh giá chỉ có 60% khả năng COP sẽ hoàn tất mục tiêu gây quỹ khí hậu trước hội nghị lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11 tới. Ông nêu rõ: "Sẽ rất khó khăn, nhưng mọi người cần hiểu rằng điều này tối quan trọng đối với thế giới".
Thủ tướng Johnson cũng cho rằng đã có "những dấu hiệu tiến bộ thực sự" từ Trung Quốc – nước có lượng khí thải carbon dioxide lớn nhất thế giới, ngay cả khi Chủ tịch COP26 Alok Sharma ngày 19/9 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa xác nhận có tới tham dự COP26 hay không.
Theo kế hoạch, trong ngày 20/9, Thủ tướng Johnson – với tư cách chủ nhà COP26 - và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ cùng chủ trì một cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong một bài đăng trên Twitter, ông Johnson nêu rõ: "Chúng ta chỉ còn một thời gian ngắn nữa. Các nhà lãnh đạo thế giới phải thực hiện các cam kết về khí hậu trước COP26".
Quỹ khí hậu của LHQ là công cụ tài chính chủ chốt để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, văn kiện kêu gọi thế giới cùng chung tay để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C và lý tưởng nhất là 1,5 độ C.