Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong một tuyên bố, ông Muller cho biết theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng và để duy trì tính thống nhất của hệ thống pháp luật Ba Lan, Thủ tướng Ba Lan sẽ đệ trình yêu cầu Tòa án Hiến pháp giải quyết toàn diện vấn đề xung đột giữa các quy phạm của pháp luật châu Âu và Hiến pháp Ba Lan.
Quốc gia lớn nhất ở phía Đông của EU đã tranh chấp với khối này về vấn đề cải cách tư pháp. EU cho rằng hành động của Vácsava làm tổn hại đến tính độc lập của cơ quan tư pháp. Trong khi đó, những người bảo thủ ở Ba Lan khẳng định EU đang vi phạm quyền đưa ra luật riêng của nước này. Trước đó, hôm 2/3, Tòa công lý châu Âu cho rằng các thẩm phán nộp đơn gia nhập Tòa án Tối cao Ba Lan phải có quyền phản đối những ý kiến đã bị chính trị hóa đến từ cơ quan xem xét các ứng viên. Điều này đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích của Vácsava với lập luận rằng tòa án đã vượt quá thẩm quyền của mình.
Hiện người phát ngôn của Tòa công lý châu Âu chưa đưa ra bình luận về vấn đề trên.
Cuối năm 2017, Quốc hội Ba Lan thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao với nhiều điểm mới, trong đó có đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán từ 70 như hiện nay xuống còn 65. Khi luật có hiệu lực vào ngày 3/7/2018, hơn một phần ba trong tổng số 74 thẩm phán bị buộc thôi việc. Đạo luật trên không những vấp phải phản đối gay gắt từ các thẩm phán và giới luật sư trong nước mà còn gây quan ngại tới Ủy ban châu Âu. Ủy ban cho rằng luật mới sẽ làm suy yếu tính độc lập của hệ thống tư pháp, đồng thời vi phạm nghĩa vụ của nước này đối với Liên minh châu Âu.