Trong thông điệp gửi tới người dân cả nước, Thủ tướng Hun Sen đã trấn an người dân, mong người dân thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước này khi mà có nhiều ý kiến phàn nàn về sự gián đoạn các hoạt động hỗ trợ của chính phủ dành cho các gia đình có người thân tử vong, người bị ảnh hưởng và phải cách ly vì dịch COVID-19.
Theo ông, gói hỗ trợ 300.000 riel (75 USD)/gia đình chỉ được thực hiện ở các khu vực cách ly, chứ không phải những vùng bị phong tỏa như Phnom Penh và Ta Khmao, hoặc với một số ít trường hợp ở một quận/huyện, chứ không phải ở thủ đô, nơi dân số lên đến hàng triệu người.
Tuy nhiên, Thủ tướng Campuchia khẳng định chính quyền các cấp đã cung ứng cho người dân các nhu yếu phẩm cứu trợ gồm gạo, mì gói, cá hộp, nước mắm… Ông cũng đề nghị chính quyền thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal chú ý tới các nhà sư vì trong thời gian phong tỏa, người dân không thể đến chùa và các nhà sư không thể đi khất thực.
Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 303 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Toàn bộ các ca nhiễm mới này đều liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2, trong đó bao gồm người dân Campuchia và Trung Quốc sinh sống tại các tỉnh/thành Kampot, Takeo, Kandal, Sihanoukville và Phnom Penh. Tính đến thời điểm này, Campuchia có 7.747 ca mắc COVID-19, trong đó 2.794 trường hợp đã được điều trị bình phục.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan thông báo nước này có thêm 1.458 ca nhiễm mới và 2 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 46.643 và 110.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 21/4 tăng nhẹ so với con số 1.443 của ngày trước đó. Thủ đô Bangkok ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới nhất, với 365 ca, tiếp đó là Chiang Mai (134 ca), Chonburi (80 ca) và Nonthaburi (69 ca).
Bộ Y tế Thái Lan đang xem xét có hành động pháp lý đối với một số bệnh nhân COVID-19 từ chối chuyển sang bệnh viện dã chiến để tiếp tục điều trị do cho rằng điều kiện ở đó bất tiện. Trong khi đó, cũng có tin nói rằng một số bệnh nhân COVID-19 đã buộc phải chờ từ 1-3 ngày trước khi có xe cứu thương đưa đi bệnh viện.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ cũng đã ghi nhận thêm 295.041 ca mắc COVID-19 và 2.023 trường hợp tử vong. Cả hai con số này đều ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên đến hơn 15,61 triệu người.
Trong 24 giờ qua, vùng thủ đô Delhi tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục (28.395 ca) và 277 ca tử vong. Do số ca bệnh tăng đột biến, cơ sở hạ tầng y tế của Delhi đang trên bờ vực sụp đổ. Thành phố đang đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh, thuốc men và bình oxy trầm trọng. Đặc biệt, việc thiếu oxy ở Delhi đang rất nghiêm nghiêm trọng khi một số bệnh viện hàng đầu sẽ hết oxy chỉ trong vài giờ nếu không được bổ sung kịp thời.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 20/4, bang Telangana đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm cho đến ngày 1/5 trong khi bang Karnataka công bố lệnh giới nghiêm cuối tuần và phong tỏa vào ban đêm. Thủ hiến bang Maharashtra - nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, ông Uddhav Thackeray dự kiến sẽ ban bố lệnh phong tỏa toàn diện kéo dài 2 tuần tại bang này từ tối 21/4.
Trong khi đó, phát biểu trong một cuộc họp tối 20/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề nghị chính quyền các bang coi lệnh phong tỏa là giải pháp cuối cùng và tập trung vào việc thiết lập các khu vực phong tỏa quy mô nhỏ.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã quyết định hủy chuyến công du tới Ấn Độ và Philippines, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4. Hiện Nhật Bản cũng đang phải đối phó với số ca nhiễm mới ngày một tăng. Chính phủ nước này đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số tỉnh.