Phát biểu tại lễ khánh thành đường ở Battambang sáng 10/1, ông Hun Sen nói rằng hai cơ chế quan trọng cần được thực hiện là ngừng bắn và viện trợ nhân đạo cho người dân Myanmar đang cần hỗ trợ mà không phân biệt đối xử. Về thỏa thuận ngừng bắn, ít nhất bộ ba gồm Brunei, cựu Chủ tịch ASEAN, Campuchia là Chủ tịch ASEAN năm nay và Indonesia, Chủ tịch ASEAN tương lai và Ban Thư ký ASEAN phải phối hợp đưa ra đề nghị ngừng bắn. Không có bạo lực, không có xung đột vũ trang sẽ là điều kiện thuận lợi để các đối thoại mang tính xây dựng và chuẩn bị cho bầu cử tại Myanmar vào tháng 8/2023.
Theo ông Hun Sen, việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Myanmar cần có cơ chế phù hợp. Hàng viện trợ đã đến Myanmar nhưng chưa được phân bổ. Cơ chế phân bổ nên có sự tham gia của đặc phái viên ASEAN về Myanmar, Tổng Thư ký ASEAN, Đại diện của Trung tâm Viện trợ Nhân đạo và Quản lý Thảm họa ASEAN (Trung tâm AHA) và Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Myanmar tạo thuận lợi cho phân phối viện trợ nhân đạo thông qua Trung tâm AHA, Hội Chữ thập đỏ Myanmar và các cơ quan đặc biệt của Liên hợp quốc.
Campuchia đã khởi động năm Chủ tịch ASEAN bằng việc tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar, cụ thể là thực hiện điểm đầu tiên và điểm thứ 4 trong Đồng thuận 5 điểm mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua tại Jakarta, Indonesia hồi tháng 4/2021.
Cùng với đó, Thủ tướng Campuchia cũng kêu gọi Nhật Bản tham gia với tư cách là nhà tài trợ nước ngoài cho tiến trình này và mời một cựu lãnh đạo ngoại giao Nhật Bản làm cố vấn cho Chủ tịch ASEAN về cuộc khủng hoảng Myanmar.
Đồng thuận 5 điểm về khủng hoảng Myanmar bao gồm chấm dứt bạo lực, đối thoại xây dựng giữa các bên liên quan vì lợi ích dân tộc, cử đặc phái viên ASEAN đến Myanmar để tạo thuận lợi cho tiến trình, gửi viện trợ đến Myanmar qua Trung tâm AHA, cho phép đặc phái viên và các phái đoàn tới Myanmar để gặp các bên liên quan.