Trước đó, Thủ tướng Anh đã đề nghị Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trì hoãn Brexit từ ngày 29/3 đến cuối tháng 6 tới, và cho biết bà đã sẵn sàng cho một cuộc bỏ phiếu thứ 3 tại Hạ viện Anh về thỏa thuận Brexit đã thương lượng với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cuối năm 2018.
Phát biểu tại Hạ viện Đức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, bà Merkel chia sẻ lo ngại của Ủy ban châu Âu (EC) rằng đề nghị trì hoãn của Thủ tướng Anh đồng nghĩa với việc Anh sẽ là một thành viên EU trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tháng 5 tới. Bà cho biết: "Tương lai và tính hợp pháp của cuộc bầu cử EP phải được tôn trọng. Song chúng ta chắc chắn có thể ủng hộ việc gia hạn (Brexit) trong thời gian ngắn".
Hãng tin Reuters dẫn một tài liệu của EC cho biết việc trì hoãn Brexit nên ngắn hơn vài tuần để tránh trùng với các cuộc bầu cử EP, hoặc ít nhất phải kéo dài đến hết năm 2019 để buộc Anh phải tham gia cuộc bỏ phiếu tháng 5 tới. Trong phát biểu của mình, bà Merkel đã nhắc lại quan điểm của ông Tusk, rằng có thể cho phép Anh gia hạn Brexit một thời gian ngắn nếu các nghị sĩ Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà May. Văn bản này đã hai lần bị Hạ viện bác bỏ.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng cho rằng trì hoãn Brexit chỉ hợp lý nếu có cơ hội thực sự để đạt được một Brexit có trật tự. Phát biểu với tập đoàn truyền thông Funke, ông Maas nhấn mạnh: "Trì hoãn chỉ có ý nghĩa nếu điều đó dẫn đến một Brexit có trật tự". Bình luận về thỏa thuận Brexit đã bị các nghị sĩ Anh bác bỏ tới hai lần, ông Maas cho rằng: "(Trì hoãn Brexit) chỉ thể là một giải pháp nếu dựa trên thỏa thuận Brexit. Nhưng điều đặc biệt quan trọng đối với chúng ta là cuộc bầu cử ở châu Âu phải diễn ra hợp thức".
Quyết định trì hoãn Brexit cần được tất cả 27 quốc gia thành viên trong EU chấp thuận mới có hiệu lực. Theo Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt, EU có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào tuần tới về đề xuất gia hạn Brexit, và có thể kèm theo các điều kiện khó, như tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác về Brexit.