Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy cử tri Italy hiện ủng hộ ông Conte ở mức khá cao, lên tới 65%. Đây là mức ủng hộ mà nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới như Thủ tướng Anh Boris Johnson hay Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải "ghen tỵ".
Từng là một giáo sư luật chứ không phải là chính trị gia, ông Conte lên nắm quyền ở Italy theo sự thỏa hiệp của đảng cực hữu Liên đoàn và đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) vào năm 2018. Nhưng thay vì là một nhân vật chỉ mang tính đại diện cho hai đảng này, ông Conte đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi.
Ông Conte đã có nhiều quyết định táo bạo và hiện đang tái định hình mối quan hệ vốn đầy chông gai của Italy với châu Âu. Bằng cách áp dụng sắc lệnh khẩn cấp để điều hành đất nước trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, ông Conte cũng đang nắm giữ thực quyền nhiều hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào trước đó ở Italy kể từ thời Benito Mussolini.
Khi ông Conte lần đầu tiên lên giữ chức thủ tướng vào năm 2018, sự thiếu kinh nghiệm về chính trị dường như đã gây nên nhiều bất lợi cho bản thân ông. Mọi công việc quan trọng lúc đó đều do hai vị Phó Thủ tướng trong Chính phủ liên minh là ông Luigi Di Maio - lãnh đạo M5S, và ông Matteo Salvini - lãnh đạo đảng Liên đoàn chi phối. Nhưng khi Chính phủ này sụp đổ hồi tháng 8/2019, ông Conte đã chứng tỏ được năng lực, uy tín của bản thân và tiếp tục được chọn làm Thủ tướng của Chính phủ liên minh "vàng - đỏ" giữa M5S và đảng Dân chủ (PD) trung tả.
Trong những tuần gần đây, Thủ tướng Conte đã tỏ ra khá bất bình trước tình trạng thiếu vắng sự đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng chặn đứng được những công kích ở trong nước của các nhà lãnh đạo địa phương, các nhóm vận động hành lang trong ngành công nghiệp cũng như Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã, vốn cho rằng Thủ tướng đã quá chậm chạp trong việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Giới phân tích đánh giá Thủ tướng Conte đã nắm bắt được thời cơ khi dũng cảm ra quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm tái khởi động nền kinh tế trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 ở Italy đang trong chiều hướng giảm dần. Italy áp dụng lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc vào ngày 9/3, và kể từ ngày 4/5 đến nay đang từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa này.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng Thủ tướng Conte đang giành được sự tín nhiệm của các nhà lãnh đạo châu Âu cũng như ngăn chặn được khả năng Italy rời khỏi EU. Ông cũng được coi là đã thành công trong các cuộc đàm phán để Italy có thể tiếp cận các quỹ cứu trợ của châu Âu mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào.
Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây nhất trí chia sẻ gánh nặng nợ công với những nước châu Âu bị tác động bởi dịch COVID-19 qua việc đề xuất thành lập một quỹ phục hồi của EU trị giá 500 tỷ euro cũng là một tin tốt đối với Thủ tướng Conte.
Nợ công của Italy hiện đang ở mức khá cao, khoảng 135% GDP, và dự kiến có thể lên tới 160% GDP vào cuối năm nay. Theo dự báo của Uỷ ban châu Âu (EC), nền kinh tế Italy cũng sẽ bị sụt giảm 9,5% trong năm 2020. Mặc dù Italy đang phải đối mặt với những thách thức về chính trị và kinh tế, nhưng Thủ tướng Conte hiện được cho là đang trong một vị thế khá tốt để có thể giải quyết những thách thức này.